Thanh tra kiểm tra như “vòng kim cô” gây kìm toả doanh nghiệp 

Chiều 23.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, dự thảo mới nhất quy định DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN. Tuy nhiên, dự thảo không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán.

Ông Thanh cho rằng, nếu quy định này được thông qua, sẽ có hơn 49% số DNNVV đang hoạt động làm ăn có lãi được hưởng lợi từ chính sách này, tương đương khoảng 301.000 DN.

"Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất, thuế TNDN với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập DN trong dài hạn" - ông Thanh nêu quan điểm và cho hay, ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp…việc này cũng đã có tiền lệ.

Cho ý kiến vào dự luật, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhắc lại tinh thần tại cuộc đối thoại của Thủ tướng với cộng đồng doanh nhân tuần trước là chia sẻ với DN khi phải đối diện với vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo. Chính bởi vậy, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị chấn chỉnh nội dung này như là một “món quà” dành tặng cho DN. Thế nhưng, đáng tiếc là dự luật rất quan trọng đối với khối DNNVV cũng như DN tư nhân này lại không quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh kiểm tra với DN.

“Sự chồng chéo thanh tra kiểm tra như "vòng kim cô" gây kìm toả DN. Đề nghị dự thảo luật nên bổ sung việc luật hóa tần suất, lồng ghép và kế thừa kết quả các cuộc thanh kiểm tra, kiểm toán. Cần coi đây là một giải pháp, chính sách hỗ trợ và bảo vệ DN. Như thế, đây sẽ là cơ hội quan trọng để đồng hành cùng DN và chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả ngay vào thực tiễn" - bà Hiền bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề tín dụng, ĐB Hà Sỹ Đồng đánh giá, tín dụng với DN nhỏ và vừa vẫn dựa trên tài sản bảo đảm thì “không khác nào chính sách cấp tín dụng hiện nay của các tổ chức tín dụng trên thị trường, nghĩa là không có tính ưu việt hay thuận lợi cho DNNVV”.

Tuy vậy, các ĐB cũng cho rằng, rất cần thiết phải có những quy định chặt chẽ về chính sách ưu đãi, các quy định cấm để tránh bị “trục lợi”. ĐB Mai Ánh Tuyết (An Giang) việc hỗ trợ DNNVV không nên dàn trải. “Hỗ trợ nên loại trừ DN sản xuất thua lỗ không có khả năng phục hồi, vi phạm pháp luật. DN sản xuất hiệu quả, không vi phạm pháp luật, đáp ứng các tiêu chí thì được hỗ trợ” – bà Tuyết nêu ý kiến.

Giải trình, tiếp thu ý kiến cho rằng nội dung về ưu đãi thuế chưa được quy định cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy định mang tính nguyên tắc nhằm đảm bảo tính ổn định trong thời gian dài. Cụ thể, về ưu đãi thuế thu nhập DN, Bộ trưởng cho rằng, sẽ không quy định mức cứng giảm bao nhiêu nhưng nguyên tắc chung là thấp hơn mức thuế phổ thông quy định trong các luật thuế. “Tinh thần là sớm kiến nghị sửa luật thuế Thu nhập DN để có quy định cụ thể ưu đãi cho DN" - ông Dũng nói.

863 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1214
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1214
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87087689