|
Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. |
Thông tin được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khi báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt- một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 02 - được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực ngay từ đầu năm. Kế hoạch hành động của các địa phương đều chú trọng tới nội dung này.
Kết quả, tổng giá trị giao dịch trong 5 tháng đầu năm 2019 qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động tăng trưởng mạnh, tính đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018; giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 97,75% số lượng giao dịch và 232,3% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Theo khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những kết quả về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được ghi nhận rõ ràng qua các nỗ lực của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước là điển hình tốt trong triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile-Money), dịch vụ có bản chất tương tự việc cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện Báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng.
Đối với xác định hạn mức số tiền tối đa nạp vào ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code. Phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê các danh mục giao dịch bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã gửi ý kiến lần 2, trước khi trình Chính phủ.
Đến nay đã có 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp với các ngân hàng để thu hộ tiền khám chữa bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) thực hiện giảm đến 100% phí dịch vụ chuyển mạch (mức thu bằng 0 đồng) tùy theo loại giao dịch đối với các Tổ chức thành viên là các ngân hàng sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán kể từ ngày 01/3/2019, sớm hơn 2 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu.
Đồng thời, NAPAS sẽ tiếp tục giảm 47%-80% phí dịch vụ chuyển mạch cho các ngân hàng thành viên hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa từ 01/5/2019. Ngoài ra, nhằm hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH), từ ngày 01/10/2019, NAPAS sẽ thực hiện giảm tiếp 25% phí dịch vụ chuyển mạch cho các ngân hàng thành viên kết nối với hệ thống thanh toán bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ của NAPAS.
Nhiều nơi đồng loạt thanh toán không dùng tiền mặt
Ở cấp địa phương, một số tỉnh, thành phố lớn đã và đang tích cực triển khai các giải pháp áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các trường học công lập trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí, được phụ huynh đánh giá cao thay vì những phản ánh như trước đây về việc gây tốn kém thời gian của phụ huynh cũng như của cán bộ nhà trường.
Thực hiện Thông tư số 136/2018/TT-BTC, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nộp các khoản vào ngân sách nhà nước bao gồm phí, lệ phí, nộp phạt… bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại kể từ ngày 01/4/2019.
Cụ thể là tất cả các đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại nếu có hoạt động xuất nhập khẩu và phát sinh các khoản nộp ngân sách Nhà nước gồm thuế phí, lệ phí, tiền nộp phạt sẽ bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản) hoặc nộp tiền mặt tại ngân hàng thương mại, để chuyển nộp vào tài khoản của cơ quan Hải quan tại Kho bạc Nhà nước.
Nhằm thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các DNNN do UBND các tỉnh, thành phố quản lý thực hiện và vận động cán bộ nhân viên trong đơn vị thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: trích nợ tự động, SMS và mobile banking, internet banking, ví điện tử, ủy nhiệm thu/ ủy nhiệm chi và thanh toán trực tuyến trên website của điện lực,... Các địa phương phối hợp rất tích cực với các công ty điện lực để thực hiện mục tiêu này.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mặc dù có nhiều nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, vẫn còn một số Bộ, ngành chưa coi trọng việc thực hiện giải pháp này, như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trong chi trả các khoản trợ cấp); Bộ Công an (trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông).
Thành Đạt