Thành phố thông minh: Người dân là đối tượng ưu tiên thụ hưởng 

(Chinhphu.vn) - Nhân tố then chốt trong việc phát triển thành phố thông minh là người dân - những người được coi là ưu tiên hàng đầu thụ hưởng các dịch vụ này.

 

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) năm 2018 tổ chức từ ngày 10-12/10 tại Bình Dương, với chủ đề “Thành phố thông minh - Động lực đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững”, các diễn giả là các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong phát triển đô thị đã có những tham luận góp ý, chia sẻ những quan điểm của mình về những nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đô thị thông minh.

Theo các chuyên gia, thành phố là một nền tảng bao gồm con người, không gian và cơ sở hạ tầng tạo thành một mạng lưới kết nối khổng lồ và cần phải có một mục tiêu bao quát để quản lý thành phố một cách có hệ thống và hiệu quả.

Thực tế hiện nay cho thấy, các vấn đề xuất hiện ngày một nhiều tại các thành phố như thất nghiệp, ùn tắc giao thông, thiếu hụt năng lượng... sẽ đe dọa môi trường thành phố, đặc biệt khi dân số tăng trưởng nhanh. Theo đó, thách thức lớn đặt ra là làm thế nào để quản trị thành phố hiệu quả và bền vững. Để giải quyết vấn đề này, mô hình thành phố thông minh đang được nhiều đô thị hướng tới.

GS.Richard A.Levao, Hiệu trưởng Đại học Bloomfield, Hoa Kỳ cho biết, thành phố thông minh có thể hiểu là nơi cung cấp các dịch vụ trí tuệ sử dụng khoa học và công nghệ để tận dụng tối đa nền tảng của mình. Thành phố thông minh là một nền tảng thành phố tương tác được trang bị đầy đủ các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT).

Chia sẻ về vấn đề này, GS.Deog-Seong Oh, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc nhấn mạnh, một khía cạnh thiết yếu của thành phố thông minh là sự đổi mới. Các chiến lược đổi mới sẽ tạo nên môi trường thành phố tốt hơn và thông minh hơn và từ đó thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng nền tảng cho trao đổi thông tin và gắn kết các dịch vụ này ở cấp thành phố.

Theo GS.Deog-Seong Oh, thành phố thông minh nên phát triển vượt ra ngoài khái niệm thực tế bằng cách làm cho mọi thứ thông minh hơn và toàn diện hơn. Nhân tố then chốt trong việc phát triển thành phố thông minh là người dân - những người được coi là ưu tiên hàng đầu thụ hưởng các dịch vụ này.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn Encity (Singapore), cho rằng phát triển đô thị thông minh đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển của địa phương. Để phát triển đô thị thông minh, công nghệ và hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất chính là con người để biến những dự án đầu tư hạ tầng và công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của thành phố, tạo ra sự tiện lợi nhất cho cộng đồng người dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố đó.

Đi vào vấn đề cụ thể hơn, ông Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty Tư vấn thiết kế Ngô Viết (Việt Nam) cho biết, hiện nay, các tỉnh, thành phố ở Việt Nam các lãnh đạo rất quan tâm thành phố thông minh, nhưng mỗi địa phương lại có những hoàn cảnh khác nhau.

Thành phố thông minh phải chọn lọc, mỗi địa phương có cách tiếp cận và trọng tâm khác nhau. Cần những chuyên gia am hiểu địa phương đó, để ứng dụng công nghệ tốt nhất phát triển thành phố thông minh phải đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho địa phương.

Ở góc độ địa phương, TS. Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng, Bình Dương muốn phát triển thành phố thông minh cần hướng tới trở thành trung tâm về công nghệ. Tạo hệ sinh thái và môi trường tốt cho các DN nhỏ và vừa các cơ hội phát triển; để mọi người dân thành phố cùng tiếp cận hạ tầng một cách thuận tiện nhất.

Thời gian gần đây, mô hình “thành phố thông minh” và “chính quyền điện tử” được tỉnh Bình Dương đặc biệt lưu tâm. Việc gia nhập WTA không chỉ thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giúp hiện thực hóa mô hình thành phố thông minh và chính quyền điện tử, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Trên thực tế, hiện nay Bình Dương đã hoàn thiện cơ sở vật chất cho thành phố mới với nhiều công trình khang trang và đang xúc tiến thành lập chính quyền điện tử. Những bước đi đó đã mở ra cho Bình Dương nhiều triển vọng phát triển, trở thành một vùng đất thu hút dân cư đến sinh sống, làm việc, cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Lê Anh

312 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1050
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1050
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191975