Thành phố Đông Hà: Nhiều chuyển biến tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX 

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, thành phố Đông Hà đã nỗ lực khắc phục khó khăn để tạo nên những thành quả quan trọng trên nhiều mặt, nhiều chủ trương mới được thực hiện nghiêm túc, tạo được dấu ấn đậm nét về chất lượng và hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Đông Hà đã nhận thức rõ vai trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2004 "về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" (viết tắt là Chỉ thị 40), thành phố Đông Hà đã chỉ đạo tổ chức phổ biến quán triệt nội dung Chỉ thị 40 đến 100% cán bộ chủ chốt các phòng, ban từ thành phố đến cơ sở và trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo nhằm nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Điểm nổi bật trong việc thực hiện Chỉ thị 40 đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên được chú trọng và luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Do đó, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của thành phố từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới. Tại thời điểm tháng 12/2004, biên chế sự nghiệp toàn ngành chỉ có 870 người (cấp mầm non 66 người; cấp tiểu học 418 người; cấp THCS 386 người) trong đó: cán bộ quản lý 74 người, giáo viên 795 người, nhân viên 01 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là 97,6 %; trong đó trên chuẩn 66,9%. Đến nay, biên chế hiện có 966 người (cấp mầm non 263 người, cấp Tiểu học 405 người, cấp THCS 298 người) trong đó: cán bộ quản lý 74 người; nhân viên 68 người; giáo viên 824 người. Số lượng hợp đồng dài hạn 04 người, trong đó: giáo viên tiểu học: 01 người (theo chủ trương của tỉnh); kế toán 03 người (thành phố cho phép). Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 100% trong đó trên chuẩn đạt 90%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý. Hầu hết, nhà giáo và cán bộ quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, tận tuỵ với nghề, yêu trẻ, gắn bó với ngành.  

Thành phố đã thực hiện tốt công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học thông qua thi tuyển và theo quy trình chặt chẽ, mang lại kết quả tích cực. Từ năm 2014 đến 2019, thành phố tổ chức thi tuyển bổ nhiệm 44 cán bộ quản lý (01 Trưởng phòng, 02 Phó Trưởng phòng, 14 Hiệu trưởng, 27 Phó Hiệu trưởng); 100% cán bộ quản lý được bổ nhiệm đảm bảo đạt trình độ chuẩn đào tạo của nhà giáo theo quy định, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý. Đồng thời, trước khi bước vào năm học mới, căn cứ nhu cầu của các cơ sở giáo dục, thành phố Đông Hà đã chỉ đạo làm tốt công tác điều động, luân chuyển, tuyển dụng giáo viên mới, từ đó tiến hành sắp xếp hợp lý, phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên và các trường học hoàn thành nhiệm vụ. Thông qua việc rà soát, sắp xếp, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thành phố đã có các giải pháp cụ thể, phù hợp; nhờ vậy, số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp, bậc học đều tăng so với năm học trước. Đội ngũ cán bộ quản lý có bước trưởng thành và cơ bản đáp ứng công tác quản lý. Đa số giáo viên được bố trí giảng dạy đúng với chuyên môn đào tạo, tình trạng dạy chéo môn (không đúng chuyên môn đào tạo) từng bước được khắc phục.

Việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại được đẩy mạnh thực hiện như ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành từ Phòng GD&ĐT đến các trường học, cơ quan đơn vị; 100% các trường học đã có mạng internet và website riêng, sử dụng nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ công tác lưu trữ văn bản về xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sau khi triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên đã có sự chuyển biến tích cực trong việc khai thác, sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng. Phương pháp dạy học linh hoạt hơn, khắc phục được kiểu truyền thụ một chiều, đồng thời phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Hoạt động chuyên môn ở các trường tiếp tục được giữ vững và phát triển phong phú hơn. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được cải tiến theo hướng đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh.

Công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên trong ngành giáo dục cũng thường xuyên được các cấp ủy Đảng quan tâm. Các cấp ủy đảng đều xây dựng chỉ tiêu phấn đấu xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên. Thông qua các phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Dạy tốt - Học tốt", "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học", "Điển hình tiên tiến"; các cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'', "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" để lựa chọn đoàn viên, quần chúng ưu tú giới thiệu tạo nguồn kết nạp Đảng. Đến nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố có 36 chi bộ/36 đơn vị, tỷ lệ đảng viên trên tổng số cán bộ, giáo viên trong ngành đạt 67,9%. Các chi, đảng bộ nhà trường thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các hoạt động tại các đơn vị, trường học; phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo các đơn vị trường học theo các quy định của Ban Bí thư. Thực hiện tốt Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và phát triển đảng viên trong các trường học”; có 85% chi bộ cơ sở trong sạch vững mạnh, trên 90% đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm.

Có thể khẳng định rằng, những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở Đông Hà đã góp phần quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhật Linh

913 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 619
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 619
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77436390