Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và nếp sống văn minh nơi công cộng”, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể và nhân dân toàn thành phố Đông Hà đã tích cực xây dựng gia đình văn hóa theo các tiêu chí cụ thể: "ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ", chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các qui định của địa phương. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng các thành viên là trưởng, phó ban ngành, đoàn thể của thành phố đã thường xuyên chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình sâu rộng về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa tới toàn thể nhân dân bằng các hình thức: thông qua các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, các hoạt động văn nghệ, phát thanh truyền hình, cùng các phương tiện thông tin đại chúng với phương thức “mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” quan tâm động viên tạo mọi điều kiện cho nhân dân phấn đấu đạt “Gia đình văn hóa”, làm cho cuộc vận động đến với từng người, từng nhà và dần dần trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Nội dung xây dựng “Gia đình văn hóa” cũng được triển khai thường xuyên thông qua hoạt động tích cực của tổ nhân dân tự quản, các câu lạc bộ không sinh con thứ ba, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, câu lạc bộ gia đình nông dân văn hóa, thanh niên với hạnh phúc gia đình. Tình trạng các cặp vợ chồng ly thân, ly hôn giảm đáng kể, những xung đột mâu thuẫn vợ chồng giảm dần. Nhiều truyền thống văn hoá của dân tộc, quê hương được giữ gìn và phát huy. Bước đầu đã hình thành được những nếp sống văn hoá tốt đẹp, thấm đậm tình làng nghĩa xóm, quan hệ gia đình, bạn bè.
Hiện nay, toàn thành phố có 17.085/19.264 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88,6%; có 6.000 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; 90% gia đình làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng cao. Các gia đình chính sách khó khăn đều được chăm sóc giúp đỡ, tình trạng tảo hôn trên địa bàn thành phố không còn xảy ra, đa số thanh niên đều được trang bị kiến thức hôn nhân và gia đình trước khi kết hôn.
Từ kết quả thực hiện phong trào “Gia đình văn hoá” trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương gia đình tiêu biểu về SXKD giỏi, gia đình hoà thuận, hạnh phúc, dòng họ không có tội phạm, gia đình hiếu học, gia đình nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, gia đình thể thao… làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá đô thị, đã hình thành được những nếp sống văn hoá tốt đẹp, thấm đậm tình làng nghĩa xóm, quan hệ gia đình có nhiều tiến bộ, các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, phong trào ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, nuôi con khoẻ dạy con ngoan...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mặt trái của nền kinh tế thị trường đang đặt gia đình và công tác gia đình ở tỉnh ta nói chung và thành phố nói riêng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai, các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, cướp của, giết người…trong giới trẻ gia tăng để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Theo số liệu thống kê, trong hai năm 2019 và năm 2020, thành phố Đông Hà thụ lý gần 100 vụ án về hôn nhân và gia đình trong đó mâu thuẩn gia đình là 38 vụ, đánh đập ngược đãi là 21 vụ, còn lại là các nguyên nhân khác.
Vấn đề bình đẳng giới chưa được xã hội quan tâm và nhận thức đầy đủ, tư tưởng “gia trưởng”, “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở nhiều đơn vị trong thành phố. Với tâm lý muốn sinh nhiều con để có con trai “nối dõi tông đường” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Tình trạng suy thoái về đạo đức, tha hóa trong lối sống như, chạy theo đồng tiền, ảnh hưởng bởi tệ nạn xã hội, lối sống thực dụng, đề cao tự do cá nhân dẫn đến gia đình tan vỡ, tác động tiêu cực đến xã hội. Đó chính là những thách thức to lớn trong việc xây dựng gia đình. Việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục chưa chú ý đúng mực, nội dung tuyên truyền còn phụ thuộc nhiều vào tài liệu Trung ương, chưa phù hợp đặc thù địa phương; công tác tập huấn nghiệp vụ gia đình và xây dựng gia đình văn hóa còn chậm, hầu hết cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở còn kiêm nhiệm, không chú trọng đến nhiệm vụ được giao, thiếu nhiệt tình.
Để thành phố Đông Hà tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ngày càng có hiệu quả và vững chắc cần tiến hành đồng bộ với nhiều giải pháp. Trước hết, mỗi người cần nhận thức sâu sắc vai trò ý nghĩa của việc xây dựng gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình phải phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, giữ vững gia phong, làm tốt việc giáo dục con cái, trong đó người lớn luôn luôn gương mẫu để gia đình phát triển sức mạnh nội sinh, trở thành “thành lũy” ngăn chặn tiêu cực từ bên ngoài tác động vào; các cặp vợ chồng trẻ cần cập nhật, tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình để từ đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trong việc xây dựng cho tổ ấm của mình. Công tác tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân rất cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…
Cần tiếp tục đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực; lồng ghép phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa " với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; nâng cao số hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và Nhân dân; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của nữ giới trong xã hội; duy trì và nhân rộng các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các phong trào “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng gia đình văn hóa. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực gia đình đến với từng nhà và với mọi người dân; đồng thời kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các gia đình điển hình tiên tiến và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa là yêu cầu khách quan và điều kiện cơ bản để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố Đông Hà trong tương lai. Nguyễn Quốc Thanh