Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên cũng như hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã kịp thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Nguồn vốn ưu đãi từ nhiều kênh khác nhau đã đến với đoàn viên, thanh niên để họ có điều kiện chuyển đổi mô hình sinh kế có hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi cá, lợn, bò, gà, chim bồ câu, trồng các loại cây ngắn ngày có năng suất, chất lượng như dứa, đậu xanh, dưa gang, dưa hấu…
Mô hình nuôi cá hồng, cá vược trong lồng của anh Lê Văn Công tại khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.
|
Điển hình như mô hình nuôi cá lồng của anh Lê Văn Công (28 tuổi, ở khu phố 4, thị trấn Cửa Việt). Từ 40 triệu đồng tích góp được những năm đi làm xây dựng, anh Công vay thêm vốn ngân hàng làm lồng thả nuôi cá vược, cá hồng. Đây là mô hình nuôi cá hồng, cá vược đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Đầu năm 2017, anh Công thả 8.000 con cá giống trong 4 lồng trên diện tích 400 m2. Cá đang ở tháng thứ 4 với trọng lượng mỗi con gần 1 kg, dự kiến tháng 9 tới đây sẽ cho thu hoạch với tổng sản lượng trên 7 tấn cá. Tính theo giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mức lãi anh thu được sẽ lên tới 200 triệu đồng.Mô hình của anh Công đã được rất nhiều người dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi để làm theo. Anh chia sẻ, ban đầu khi mới triển khai mô hình anh gặp rất nhiều lúng túng, nhất là về kinh nghiệm và nguồn vốn. Do ảnh hưởng của sự cố môi trường, lứa cá đầu tiên bán ra với giá cả rất thấp nên thu lại chỉ đủ vốn. Nhưng anh nghĩ, cuộc sống là phải có khó khăn, thử thách, không nên dễ dàng buông bỏ. Sau đó, anh tiếp tục vay vốn thực hiện mô hình.
Mô hình xưởng mộc của anh Trần Đức Thịnh, xã Gio Hải, huyện Gio Linh.
|
Anh Trần Đức Thịnh (sinh năm 1992, ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh) từng là một ngư dân cùng với bố làm nghề biển. Thế nhưng, sau sự cố môi trường, tất cả tàu thuyền gần như nằm bờ, không có thu nhập, gia đình anh rơi vào khó khăn. Anh Thịnh quyết định vay vốn mở xưởng mộc, gia công các loại đồ gỗ mỹ nghệ. Đến nay, cơ sở của anh hoạt động ngày càng hiệu quả với thu nhập bình quân trên 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thời vụ và 3 lao động thường xuyên. Theo anh Thịnh, chỉ cần có quyết tâm thì có thể làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, nên mong muốn của anh Thịnh cũng như nhiều thanh niên khác là được tạo điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi.Đến nay, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ vốn cho 47 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, qua đó giúp thanh niên vùng biển có điều kiện xây dựng và mở rộng quy mô, góp phần giải quyết việc làm cho trên 50 lao động tại chỗ. Cùng với đó, Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền vận động, hỗ trợ thanh niên và người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, cũng như áp dụng khoa học, kỹ thuật cao. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả như nuôi vịt trời tại Vĩnh Thái (Vĩnh Linh); thanh long ruột đỏ, bồ câu Pháp tại Vĩnh Linh; nuôi dê, thỏ tại Hải Khê (Hải Lăng); trồng sả tại Triệu Phong; mô hình trang trại tổng hợp tại Triệu Vân (Triệu Phong)…Anh Trần Xuân Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị cho biết: Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ thanh niên vùng biển phát triển mô hình sinh kế có giá trị kinh tế cao; tăng cường chuyển đổi nghề nghiệp, xuất khẩu lao động tạo thu nhập và cuộc sống ổn định cho đoàn viên thanh niên; tích cực phối hợp vận động và hỗ trợ thanh niên vay vốn nâng cấp, đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV - 150CV nhằm chuyển đổi đánh bắt ven bờ sang đánh bắt trung bờ, phát triển dịch vụ nghề cá. Đặc biệt, Tỉnh đoàn phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cũng như hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…
Bài và ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)