Thanh long Việt Nam bắt đầu chinh phục thị trường Australia 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam là nước đầu tiên được xuất khẩu trái thanh long sang Australia - quốc gia có hàng rào kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới đối với quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản. Trong đó, Long An và Bình Thuận là 2 tỉnh sẽ có những lô hàng thanh long đầu tiên được xuất khẩu vào Australia.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới được xuất khẩu trái thanh long sang Australia
Tại TP. Cần Thơ, đồng Bộ trưởng phụ trách Nông nghiệp và Tài nguyên nước của Australia, Anne Ruston, vừa công bố: Quả thanh long của Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào Australia từ năm nay 2017.

Như vậy, Việt Nam là nước đầu tiên được xuất khẩu trái thanh long sang quốc gia có hàng rào kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới đối với quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.

Tính tới nay, thanh long là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia, sau vải và xoài. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong nhiều năm của Bộ NN&PTNT Việt Nam, các địa phương và người nông dân trồng thanh long và mới đây nhất là từ chuyến thăm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới Australia cách đây một tháng.

Hiện, trái thanh long của Việt Nam đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu của thanh long đạt khoảng 700 triệu USD vào năm 2016, giữ vị trí chủ đạo trong nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, kế tiếp là Hoa Kỳ.

Trong các buổi làm việc với Quyền Thủ tướng Australia Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Julia Bishop, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, quan hệ ngoại giao, chính trị giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, nhưng quan hệ về thương mại, kinh tế vẫn còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của khối doanh nghiệp và người dân hai nước.

Hai bên cần thúc đẩy hợp tác, đầu tư, mở cửa thị trường cho hàng hoá của nhau và đề nghị phía Australia quyết định nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam ngay trong năm 2017. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh năng lực sản xuất thanh long của doanh nghiệp và nông dân Việt Nam bảo đảm đáp ứng các điều kiện khắt khe từ phía Australia.

Ngay tại các buổi gặp gỡ với đoàn Chính phủ Việt Nam, các cá nhân có trách nhiệm trong Chính phủ Australia đã khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hỗ trợ các mặt hàng trái cây nhiệt đới, mà trước tiên là thanh long được nhập khẩu vào Australia trong năm nay.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ ngay khi phía Australia công bố quyết định này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá quyết định này sẽ thúc đẩy việc sản xuất và nâng cao giá trị, thương hiệu của thanh long Việt Nam.

Ông Nam cho biết, sau quyết định này, hai bên sẽ hoàn tất và thống nhất các thủ tục cần thiết để tiến hành hoạt động thương mại ngay trong những tháng tới.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết, thanh long đến từ hai tỉnh Long An và Bình Thuận là những lô hàng đầu tiên sẽ được xuất khẩu vào Australia. Các cục, vụ chức năng của Bộ sẽ cùng với lãnh đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, thu hoạch, đóng gói thanh long, bảo đảm yêu cầu từ phía Australia; khuyến cáo người trồng thanh long tính toán mùa vụ sản xuất phù hợp để không trùng với mùa thu hoạch thanh long của nông dân Australia để bảo đảm tiêu thụ hiệu quả ở thị trường này.

Vẫn theo ông Trần Thanh Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Australia cần tiếp tục đầu tư vào khâu bảo quản nông sản để kéo dài chất lượng và mẫu mã của trái thanh long cho tới khi đến tay người tiêu dùng.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với phía Australia để hai bên tiếp tục mở cửa thị trường cho các nông sản khác trên cơ sở cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia; hỗ trợ Việt Nam xây dựng và vận hành các phòng thí nghiệm xét nghiệm tôm tươi nguyên con trước khi xuất khẩu sang nước này.

Bên cạnh thanh long, các trái cây khác như nhãn, vú sữa, chôm chôm và chanh dây sẽ là những nông sản ưu tiên của Việt Nam đến Australia trong thời gian tới. 

Để được nhập khẩu vào Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phải đáp ứng nhiều yêu cầu về an toàn thực phẩm rất khắt khe. Ảnh minh họa

 

 Về các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Australia trong năm nay, ngoài thanh long, Quyền Thủ tướng Australia Banarby Joyce và Bộ trưởng Thương mại Steven Ciobo khẳng định với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rằng phía Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu thêm mặt hàng tôm tươi nguyên con.

Đáp ứng quy định nhập khẩu nghiêm ngặt

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, để được nhập khẩu vào Australia, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu về an toàn thực phẩm rất khắt khe. Cụ thể, trước khi nhập khẩu vào Australia, doanh nghiệp cần có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia cấp.

 

Trước khi xuất khẩu, thanh long phải được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch) và phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan.

Theo yêu cầu của phía Australia, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ: “Trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam, phù hợp với các điều kiện nhập khẩu thanh long tươi vào Australia, phù hợp với chương trình xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào Australia và đã được kiểm dịch, không có bất kỳ loại côn trùng nào trong diện kiểm soát an toàn sinh học của Australia”. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải được cấp bởi Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đi kèm với mỗi lô hàng. 

Theo quy định, thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam phê duyệt.

Trường hợp vận chuyển bằng đường biển, lô hàng phải có số container và số niêm phong được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại (ví dụ trên vận đơn). Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ.

“Bất cứ lô hàng nào không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đầy đủ hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng thì sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia tham vấn với Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam để làm rõ và ra quyết định. Hàng hoá phải không có côn trùng và bệnh dịch. Hàng hoá cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác, trừ 1cm cuống của quả thanh long”, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết.

Để xuất khẩu sang Australia, các lô hàng phải được bảo đảm tình trạng kiểm dịch trong khi vận chuyển với bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến, chẳng hạn như rơm. Thậm chí, các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Kiện hàng phải được buộc chắc chắn.

Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia cho hay, có thể lấy mẫu và kiểm dịch bất cứ lô hàng nào. Nếu lô hàng bị phát hiện có côn trùng sống có nguy cơ an toàn sinh học sẽ được yêu cầu xử lý, hoặc tái xuất, hoặc tiêu huỷ. Chi phí cho bất kỳ hành động được yêu cầu nào sẽ do người nhập khẩu (doanh nghiệp Việt Nam) chi trả.

Trường hợp lô hàng bị phát hiện có dấu hiệu của bệnh dịch sẽ bị Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia giữ lại và đánh giá rủi ro về an toàn sinh học để xác định các lựa chọn cho nhà nhập khẩu. Lựa chọn đó có thể là thông quan, xác định thêm, xử lý, tái xuất, hoặc tiêu huỷ.

“Nếu chất ô nhiễm (ví dụ như hạt, rác, đất, lông) được phát hiện và xác định có liên quan đến an toàn sinh học, lô hàng sẽ bị yêu cầu loại bỏ hoặc xử lý các chất gây ô nhiễm và sẽ cần phải kiểm tra lại. Nếu các chất gây ô nhiễm không thể được loại bỏ hiệu quả hoặc được xử lý, lô hàng phải tái xuất hoặc tiêu huỷ. Mọi chi phí sẽ do người nhập khẩu chịu. Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia có thể rà soát chính sách nhập khẩu bất cứ lúc nào sau khi thương mại bắt đầu hoặc khi tình trạng sâu bệnh và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam bị thay đổi”, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia thông báo.

Quốc Thanh

495 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1218
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1218
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87180983