"Thanh lọc" để bất động sản phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) – Việc siết tín dụng bất động sản (BĐS) là một động thái cần thiết để vừa ổn định vừa thanh lọc, đào thải những dự án kém khả thi và tạo điều kiện để những dự án tốt phát triển.

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Bất động sản miền Trung: Thực trạng và hướng phát triển bền vững”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28/6.

Theo Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam, sự nở rộ của hàng loạt các dự án từ phân khúc cao cấp đến bình dân với đa dạng loại hình từ BĐS nghỉ dưỡng đến đất nền, phong phú về sản phẩm từ condotel đến officetel hay Shophouse… khiến thị trường BĐS từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 thực sự sôi động, đặc biệt là ở phân phúc sản phẩm đất nền. Tuy nhiên, thị trường hiện đang có dấu hiệu chậm lại, biên độ chênh giữa cung và cầu có dấu hiệu tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét trong 3-4 năm trở lại đây, BĐS cả nước nói chung, miền Trung nói riêng dần hồi phục và cũng có những thời điểm rất sôi động. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường đang “trầm lắng”, bởi sự nở rộ của dự án dẫn đến nguy cơ cung lệch cầu, bên cạnh đó là sự thận trọng của người mua.

Ông Võ Trí Thành cho rằng, hiện nay các cơ chế, chính sách về BĐS ở Việt Nam đi sau tốc độ phát triển của thị trường. Quy hoạch chưa ổn định làm gia tăng rủi ro trong đầu tư cho các nhà kinh doanh BĐS cũng như người sử dụng BĐS, điều này cũng tạo ra sự bất an nhất định.

Vì vậy, ông Thành cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra các chính sách vĩ mô để ngăn ngừa rủi ro.

Đề cập đến vấn đề tín dụng BĐS, các đại biểu cũng tán thành về việc Nhà nước nên có động thái siết tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây để vừa ổn định vừa thanh lọc và đào thải những dự án kém khả thi.

Còn ông Nguyễn Hiền Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Đất Xanh Nam miền Trung phân tích khu vực miền Trung thời gian qua diễn ra hiện tượng sốt đất nền. Tất nhiên, việc này cũng tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, người mua cần tìm hiểu rõ về dự án khi mua, tính pháp lý, hạ tầng, vị trí, quy hoạch chủ đầu tư. Các địa phương cũng cần kiểm soát, giám sát việc triển khai các dự án bảo đảo tính pháp lý và kinh doanh theo Luật Bất động sản.

Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt vấn đề về việc Đà Nẵng có giữ được vai trò “đầu tàu” của thị trường BĐS miền Trung trước những dấu hiệu chựng lại vừa qua hay không.

Về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, tuy tốc độ phát triển các dự án BĐS ở nhiều địa phuơng trong cả nước đang có dấu hiệu chậm lại nhưng phần lớn các dự án BĐS tại Đà Nẵng vẫn đang được đang triển khai theo đúng tiến độ.

Đà Nẵng hiện có khoảng 50 dự án BĐS đã và đang triển khai. Tổng số căn hộ, nhà ở liền kề, biệt thự là hơn 50.000 căn với nhiều nhà đầu tư lớn như Vinacapital, Alphanam Luxury, SunGroup, Trung Nam, Hoà Bình, An Thịnh, Vingroup... tham gia.

Thị trường BĐS Đà Nẵng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư về tiềm năng và triển vọng của thị trường này.

Minh Trang

857 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 970
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 970
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76375378