Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)
Tính tới thời điểm ngày 20/12/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 16,96% so với tháng 12/2016, không chênh nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước (2015: 17,02%; 2016: 16,46%). Mức tăng này chưa đạt mục tiêu tăng trưởng 21% do Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, trong năm 2017, tăng trưởng huy động đạt 14,50%, thấp hơn so với mức 16,88% của cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt hơn 2,46% so với tốc độ tăng trưởng huy động. Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống ngân hàng năm 2017 vẫn được đảm bảo nhờ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua 7,5 tỷ USD trong cả năm, trong khi chỉ hút vào gần 31 nghìn tỷ VND qua kênh tín phiếu.
Mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định trong cả năm. Lãi suất huy động VNĐ dài hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Một sự kiện đáng chú ý trong năm 2017 là NHNN đã ban hành quyết định số 1424/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/7/2017, giảm 0,25%/năm đối với các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm với lãi suất cho vay trên nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế trong bối cảnh thuận lợi là lạm phát năm 2017 ở mức thấp. Lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn lần lượt hạ về mức 4,25% và 6,25%. Theo đó, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn và giảm chi phí vay vốn, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.
Thanh khoản hệ thống ổn định tạo điều kiện cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục được giữ ở mức thấp trong năm 2017. Tuy lãi suất có biến động với xu hướng tăng nhẹ trở lại trong Quý 4, lãi suất qua đêm và một tuần cả quý cuối năm bình quân vẫn ở mức thấp lần lượt là 0,88% và 1,06%.
Tín dụng năm 2017 tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp, thương mại với 78,4% tổng tín dụng. Điều này một phần lý giải mức tăng trưởng ấn tượng ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như ở ngành dịch vụ.
Tuy vậy, trong báo cáo tháng 12 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng của Việt Nam cuối năm 2017 đã ở mức khoảng 135% GDP, cao hơn các quốc gia có trình độ phát triển tương đương. Tỷ lệ này đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đó, do đó có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng.
Tuy cung tiền tăng trưởng thấp hơn năm 2016 hơn 2 điểm % song tỷ lệ M2/GDP (tỷ số giữa cung tiền với GDP) của năm 2017 đã đạt mức khoảng 165%, cao hơn khá nhiều so với 146% của năm 2016. Điều này cho thấy NHNN cần bắt đầu thận trọng với tốc độ tăng cung tiền vì có khả năng dẫn tới bùng phát lạm phát trong thời gian tới khi các ảnh hưởng trễ phát huy tác dụng.
Theo đánh giá của VEPR, tỷ giá danh nghĩa tiếp tục duy trì xu hướng ổn định trong Quý 4/2017. Nhìn chung, tỷ giá VND/USD được duy trì ổn định xuyên suốt năm 2017. Nhờ vào lạm phát thấp cùng lượng cung ngoại tệ dồi dào, cộng với khuynh hướng mất giá của đồng USD trên toàn cầu, đã đảo ngược tác động đối với tỷ giá VND trong nước. Do đó, cả tỷ giá tham chiếu và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đều biến động không đáng kể trong suốt nửa sau của năm. Tại thời điểm 29/12/2017, tỷ giá tham chiếu do NHNN công bố ở mức 22.425 VND/USD, chỉ tăng 1,2% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá bán ra tại ngân hàng Vietcombank hầu như không thay đổi, chỉ dao động quanh mức 22.745 VND/USD.
Chính sách tiền tệ trong năm 2017 tiếp tục được thực hiện một cách chặt chẽ dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều tuyên bố thể hiện khuynh hướng nới lỏng. Thặng dư trên cán cân thanh toán cho phép NHNN mua vào ngoại tệ liên tục trong cả năm, giúp dự trữ ngoại hối đạt 51,5 tỷ USD (trên 2,7 tháng nhập hẩu) theo như công bố của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trong phiên họp cuối năm. Lượng ngoại tệ dồi dào làm giúp giảm sức ép giảm giá VND, thậm chí ngược lại. Do đó, NHNN có thêm không gian để giảm nhẹ lãi suất VND nhằm thúc đẩy kinh tế./.
Minh Phương