Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thấp và nêu một số giải pháp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khi phân tích về vấn đề tăng trưởng tín dụng tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2 vừa qua.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay: Về điều hành tăng tưởng tín dụng năm 2024, từ cuối năm 2023, NHNN đã xác định một mức tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15% năm 2024. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giao hết các chỉ tiêu tín dụng cho từng tổ chức tín dụng vào ngày 31/12 để các tổ chức tín dụng chủ động về tăng trưởng tín dụng.
NHNN đã công khai nguyên tắc phân bổ, giao mức chỉ tiêu tín dụng cho tất cả tổ chức tín dụng được biết và thực hiện.
Thực tế triển khai đầu năm 2024, qua 2 tháng NHNN theo dõi thấy tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ của các năm, với thực tế là thanh khoản rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm.
Lãnh đạo NHNN cho biết, nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ. Cụ thể, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Sang tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.
Bên cạnh đó, năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra, xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.
NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng như: Có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng.
Các NHTM lớn kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh từ quý 2/2024
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định: NHNN sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành. NHNN sẽ rà soát các văn bản, nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo hướng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay.
Như vậy, NHNN đã và đang có nhiều nỗ lực, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh tín dụng.
"Về phía người cho vay, thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn", ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Đại diện NHNN cho rằng: Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này.
Về phía người đi vay, NHNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động, có thêm các dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các dự án của mình; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để người cho vay (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay cho người vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.
"Chúng ta đã qua 2 tháng, tín dụng tháng 1 có giảm, tháng 2 giảm ít hơn do nhu cầu tín dụng tháng 2 có tăng lên. Như vậy tín dụng tháng sau đã có sự tăng trưởng hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi mức tăng của tháng 3, quý I và các tháng tiếp theo để có giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ người đi vay và tăng trưởng nền kinh tế", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, lãnh đạo các NHTM cũng đã chia sẻ về vấn đề tăng trưởng tín dụng. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, tín dụng giảm do một số lĩnh vực tín dụng bán lẻ, tín dụng bất động sản trầm lắng, dự án cấp phép mới còn ít hoặc vướng mắc về pháp lý. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay thanh toán quốc tế tài trợ thương mại thời vụ tập trung vào dịp Tết Dương lịch phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Các khách hàng FDI thường có xu hướng trả nợ cuối năm, do tâm lý chung doanh nghiệp, người dân ngại vay...
Còn theo ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, nguyên nhân suy giảm tín dụng trong tháng đầu năm chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Kinh tế còn nhiều thách thức, các nhóm ngành là động lực tăng trưởng phục hồi chậm, thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phân tích về điểm khác biệt trong tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024. Cụ thể, nếu như một số năm trước đây, thời điểm cuối năm tình hình nhu cầu tín dụng tăng cao, lúc đó các ngân hàng "khá căng" về room tín dụng nên nhu cầu được "vắt sang" giải quyết trong tháng 1 làm cho tăng trưởng tín dụng đầu năm khá cao.
Còn trong năm 2023 khi room tăng trưởng tín dụng tương đối thoải mái, nhu cầu tín dụng được đáp ứng, đến thời điểm 31/12, các DN cá nhân quyết toán công nợ, cơ bản được giải quyết hết trong năm 2023, do đó, nhu cầu vay trong tháng 1 thấp. Có ngân hàng số người trả nợ nhiều hơn người vay, làm tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong tháng 1 năm 2024.
"Dự đoán, sau Tết, khi các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, thì nhu cầu tăng dần lên, tín dụng trong tháng 1, 2 giảm, tháng 3 phục hồi và có thể tăng mạnh hơn trong quý II/2024", ông Phạm Như Ánh nói.
Anh Minh