Thành công của hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc * 

Hội thảo khoa học “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam (CMLTCHMN) Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đã thành công tốt đẹp. Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo của đồng chí Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Kính thưa  GS,TS  Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương!

Thưa quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí!

Với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội thảo khoa học Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước", kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Tại Hội thảo hôm nay, chúng ta đã được nghe các tham luận với nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, trong đó có nhiều luận giải, phân tích, đánh giá sâu sắc về vai trò lịch sử của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và sự kiện 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị. Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi trân trọng cám ơn các đồng chí đã đến dự, phát biểu ý kiến và đóng góp cho thành công của Hội thảo. Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:

Một là: Hội thảo đã làm rõ bối cảnh lịch sử, những yếu tố địa chính trị, kinh tế, quân sự và giá trị truyền thống của vùng đất và con người Quảng Trị dẫn đến việc Thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được lựa chọn đóng Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Các bài viết đã khẳng định, vùng đất Cam Lộ là vùng đất đặc biệt, nhiều lần được chọn làm “Kinh đô”. Sau Hiệp định Paris, Quảng Trị là tỉnh có vùng giải phóng  rộng lớn và hoàn chỉnh nhất trong các tỉnh miền Nam Việt Nam. Nơi đây có địa thế an toàn về an ninh, quốc phòng, lại khá thuận lợi về giao thông; tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng giải phóng Hạ Lào rộng lớn, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cũng là nơi có điều kiện bảo đảm về hậu cần cho các hoạt động ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời, Quảng Trị nói chung, Cam Lộ nói riêng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân có tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu và chiến thắng, điển hình là cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè 1972 và chống lấn chiếm sau Hiệp định Paris.  Đó là những lý do cơ bản khiến cho vùng đất Cam Lộ, Quảng Trị được lựa chọn xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để từ đó, Chính phủ lâm thời phát huy vai trò chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đi đến thắng lợi.

Hai là, Hội thảo tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong việc quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và khẳng định vai trò và những hoạt động của Chính phủ Lâm thời trên các lĩnh vực chủ yếu.

Từ thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là yêu cầu về đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, đồng thời, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân miền Nam,Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã chủ trương thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại diện cho quyền lợi chính đáng của nhân dân miền Nam. Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam với đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai.

Sau khi ra đời, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tăng cường các hoạt động trên nhiều lĩnh vực: quân sự,  kinh tế, văn hóa, xã hội tại các tỉnh miền Nam Việt Nam; đặc biệt, hoạt động đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam những năm 1973 - 1975, góp phần hình thành Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam - là đòn tiến công chính trị mạnh mẽ phối hợp với đòn tiến công quân sự và ngoại giao, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khẳng định vai trò và đóng góp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như: Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn; nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát…, là những nhà lãnh đạo tiền bối mà “Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại” (lời nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình).

Ba là: Hội thảo cũng đã nêu bật những đóng góp của quân và dân Quảng Trị trong việc bảo vệ Trụ sở của Chính phủ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với sứ mệnh của mình, quân và dân Quảng Trị đã kiên cường đấu tranh bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị nói chung, bảo vệ Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói riêng; trong đó lực lượng vũ trang Quảng Trị đã góp phần đấu tranh mở rộng vùng giải phóng, chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, chống chính quyền Sài Gòn lấn chiếm. Lực lượng Công an nhân dân Quảng Trị đã thực hiện những biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh chống các phần tử phản động, tề điệp, thám báo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn cho các đoàn khách quốc tế; bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bảo vệ an toàn chuyến thăm Trụ sở Chính phủ Lâm thời của Đoàn đại biểu Đảng Chính phủ Cu ba, do đồng chí Phiđen Cátxtrô dẫn đầu và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, do Tổng Bí thư Gioócgiơ Mácse (Goerges Marchais) dẫn đầu. Có thể nói, sức mạnh của lòng dân, căn cứ địa lòng dân đã chở che, bảo vệ và giúp đỡ để Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bốn là: Tỉnh Quảng Trị đã, đang và sẽ làm gì để phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường;khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh

Phát huy truyền thống cách và lịch sử vẻ vang của vùng đất Quảng Trị trung dũng, kiên cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng thời cơ, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tạo ra những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhờ vậy, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công với cách mạng luôn được thực hiện chu đáo, kịp thời.

Có nhiều ý kiến tâm huyết đã gợi mở rằng: Là tỉnh có 475 di tích lịch sử, cách mạng, trong đó có di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nếu khơi dậy và phát huy được tiềm năng của các giá trị di tích lịch sử, cách mạng, gắn với du lịch về nguồn, du lịch tâm linh sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, Quảng Trị đang chuẩn bị các điều kiện hướng tới tổ chức Lễ hội vì hòa bình, kết nối những giá trị lịch sử truyền thống với những giá trị hiện đại nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành thương hiệu riêng của vùng đất thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất của nhân dân Việt Nam.

Kính thưa các đồng chí, thưa các quý vị đại biểu!

Đất nước được hòa bình, thống nhất đã gần nửa thế kỷ. Mảnh đất Quảng Trị trên tuyến lửa năm xưa nay đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn còn đó, mãi mãi là bằng chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ, đầy đau thương, mất mát nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân ta; là biểu tượng của khát vọng hòa bình và lòng quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.          

Với ý nghĩa đó, Hội thảo hôm nay đã góp phần làm sáng tỏ bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm 1969-1975, đặc biệt là trong gần 3 năm Chính phủ lâm thời đóng Trụ sở tại miền đất Cam Lộ, Quảng Trị. Thành công của Hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử; là dịp để củng cố, bồi đắp thêm về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và quyết tâm phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Một lần nữa, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; trân trọng cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các Bộ, Ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành bạn, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, đơn vị, các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ và tham dự Hội thảo; các cơ quan thông tấn báo chí dự đưa tin, góp phần vào thành công của Hội thảo quan trọng và đầy ý nghĩa này.

Trong quá trình tổ chức Hội thảo, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song không tránh khỏi những khiếm khuyết, sơ suất, rất mong các đồng chí thông cảm và chia sẻ.

Một lần nữa, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội thảo. Xin trân trọng cảm ơn!

 

* Tiêu đề do Báo Quảng Trị đặt

513 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 810
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 810
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87036403