Thực ra tháng tri ân chỉ hàm chứa trong không gian hẹp về một thời điểm cụ thể tháng 11. Còn truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo thì vượt cả thời gian. Điều này, lý giải vì sao những câu nói “ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hoặc “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”đã thân thuộc trong cuộc sống. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra thời đại số, công nghệ số, giáo dục số vì vậy môi trường giáo dục không còn bó hẹp trong không gian “bản đen, phấn trắng”, và vì thế nội hàm “Thầy” cũng được hiểu rộng hơn.
Lịch sử giáo dục của dân tộc ta mãi mãi ghi danh những người thầy tiêu biểu, tỏa sáng cho đến hôm nay như: thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Đình Chiểu, thầy Nguyễn Tất Thành... Những người thầy mẫu mực đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, hết lòng để đào tạo bao thế hệ học trò, phò đời giúp nước, làm rạng rỡ non sông. Tiếp nối truyền thống đó, các thế hệ nhà giáo ngày nay, với lý tưởng cao cả đã làm hết sức mình “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Những năm chiến tranh ác liệt, thầy cô giáo cũng phải đội mũ rơm cùng học sinh đến trường, dạy và học trong hầm trú ẩn. Đất nước hòa bình, những người thầy, người cô không phân biệt tuổi tác, giới tính…đã có mặt khắp mọi miền đất nước, không quản khó khăn, nhọc nhằn vượt qua gian khổ, thiếu thốn, cống hiến tài năng, tâm trí và sức lực cho sự nghiệp “trồng người”. Biết bao tấm gương của các thầy, cô đã tình nguyện "cắm bản", đến dạy học những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo, cũng chỉ vì học sinh thân yêu. Không ít thầy cô còn dùng một phần lương của mình giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mua giấy bút, quần áo để tiếp tục đến trường. Những câu chuyện nhường cơm sẻ áo, dạy và chăm sóc con trẻ, vận động các gia đình góp công, góp của làm trường lớp vẫn diễn ra hằng ngày như một lẽ sống.… Vượt lên các áp lực xã hội và nghề nghiệp, tuyệt đại đa số nhà giáo vẫn đứng vững trên bục giảng, kiên trì, tận tụy với công việc, với những lứa học trò. Các thầy cô cố gắng "dùi mài", bồi dưỡng kiến thức và phương pháp sư phạm, nhiều người học thêm để nâng cao, nâng cấp trình độ, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu. Những đóng góp và hy sinh to lớn của các thế hệ nhà giáo cho sự nghiệp trồng người như tượng đồng, bia đá, không chỉ được tôn vinh nhân tháng tri ân mà mãi mãi ngàn năm.
Sinh thời, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong nghề cao quý . Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sángtạo”. Nhân dân tôn vinh, gọi người Thầy giáo là “ Kỹ sư tâm hồn”. Bởi, dạy học không chỉ dạy chữ mà cao hơn là dạy cho học trò đạo lý làm người. Đối tượng lao động của người thầy là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng; Công cụ lao động của nghề dạy học là toàn bộ nhân cáchcủa mình; phương pháp lao động của người Thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưỏng, tình cảm của mình… Vì vậy, lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức nghiêm túc; đặc biệt phải có một cái tâm trong sáng, để tạo dựng nên nhân cách con người đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Giáo sư Nguyễn Văn Lê đã dẫn lời một nhà tư tưỏng nói về nghề dạy học:“Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”
Cuộc sống như một dòng chảy liên tục, liên tục, việc mưu sinh vẫn tất bật, hối hả nhưng dòng suy nghĩ về thầy cô, về mái trường vẫn sống lại và càng gần đến ngày 20/11 lại càng dâng trào “tháng tri ân”. Tri ân Thầy cô! Trí Ánh