Chàng trai người dân tộc Vân Kiều khuyết tật sống nơi bản làng xa xôi lại trở thành niềm cảm hứng vươn lên của những người cùng cảnh ngộ.
Chủ "học lỏm" nghề từ thợ
Nơi Hồ Văn Phơi (39 tuổi, trú bản Pa Lu, xã A Túc, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đang sinh sống nằm dọc trên tuyến đường vào vùng Lìa khô khốc, mùa nắng bắt đầu từ tháng 2 và kéo dài đến tận tháng 10 cùng với những trận gió Lào bỏng rát. Ở đây, đến những cây to cũng quắt queo, héo hon huống chi là con người.
Gia đình của anh Phơi
ẢNH: THANH LỘC
|
Anh Phơi là con trong gia đình có 3 anh chị em. Anh là nạn nhân chất độc da cam, hầu như không thể đứng mà luôn di chuyển một cách nhọc nhằn theo kiểu ngồi và bò đi trên đôi chân bị teo nhỏ. Phơi kể, từ khi sinh ra anh đã khác với mọi người, kiểu như con chim rừng mà không biết hót, như con thú hoang mà không biết săn mồi. Dù khác biệt, nhưng anh vẫn đến trường, cố học xong lớp 12, điều mà rất nhiều người lành lặn sống ở vùng cao này không làm được.
Không học lên cao nữa và cũng không rời xa quê hương A Túc của mình, Phơi "luyện" ngón nghề sửa chữa xe máy theo một cách không giống ai: Mở tiệm, thuê thợ về làm và... học lỏm từ chính những người thợ mà mình thuê. Gần 20 năm trước, tiệm của Phơi là một trong những tiệm sửa xe máy đầu tiên ở dọc tuyến đường Lìa này.
Cảm phục ý chí và suy nghĩ táo bạo của Phơi, nhiều người thợ đã truyền nghề lại cho ông chủ Phơi. Và với một chút năng khiếu, Phơi đã dần dà hiểu về những chiếc xe máy như cái cách mà anh hiểu về bản làng, núi rừng này. Cho đến một ngày, anh tự mày mò chế ra chiếc xe máy 3 bánh để làm “đôi chân” cho mình. Khi đó, bà con dân bản đã mới tin rằng, "thằng Phơi thực sự biết sửa xe máy”.
Tiệm nhỏ của Phơi làm ăn phát đạt, hễ hỏng xe người ta đều nghĩ đến địa chỉ này. Chưa hết, rất nhiều trai bản nguyện làm “học trò” của Phơi và không ít trong số đó đã ra nghề, mở tiệm riêng.
“Có người nói sao không giấu nghề để làm ăn, tôi bảo nghề này cũng chả cao sang gì, suốt đời bám với dầu nhớt, chỉ là kế sinh nhai thôi. Cớ gì phải khắt khe với nhau?”, Phơi nói.
Làm đổi thay cuộc đời người khác
Có chút tự ti về ngoại hình, đã có lúc Phơi nghĩ đời mình sẽ gắn liền với tiệm sửa xe, lấy niềm vui nơi này để quên đi hạnh phúc khi có một gia đình. Vậy mà duyên lành chợt đến, khi một ngày anh ngược lên thị trấn vùng biên Lao Bảo để mua đồ nghề rồi gặp cô gái Hồ Thị Dọc (37 tuổi, trú bản Ka Tăng, TT.Lao Bảo), một người lành lặn.
Chị Dọc cảm mến chàng trai khuyết tật nhưng chăm làm ngay từ cái nhìn đầu tiên, dẫu chàng trai ngại ngùng không dám mở lời yêu thương. Mãi đến một ngày cuối năm 2005, Phơi và Dọc mới về chung một nhà. Đám cưới xúc động đã làm tan mùa đông giá rét trên cả vùng cao tuyến Lìa.
5 đứa con (3 gái, 2 trai) lần lượt ra đời là câu trả lời "thuyết phục" cho những nghi ngờ về hạnh phúc của họ. Những đứa bé đều bình thường, thậm chí ngoan ngoãn, làm nhiều người không tiếc lời ngợi khen. Khi việc nhà dần yên, Phơi mới bắt đầu đi ra làm việc xã hội với chức vụ đầu tiên là Chủ nhiệm CLB người khuyết tật A Túc.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính Phơi đã mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng cho những người cùng cảnh ngộ, quả không sai. Tổ chức hội diễn văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, kêu gọi từ thiện... không việc gì anh từ nan. Miễn là cảm thấy giúp ích được cho đời, giúp ích cho người khác.
Thậm chí đến việc làm “ông tơ bà nguyệt”, Phơi cũng không “ngán”. Chuyện rằng, cô gái khuyết tật Hồ Thị Hỷ vì cảm phục chuyện tình yêu của vợ chồng Phơi mà mạnh dạn tham gia những cuộc giao lưu, tâm tình của người cùng cảnh ngộ. Để rồi, tình duyên đưa lối Hỷ gặp Hồ Văn Loan, một chàng trai miền cao Quảng Bình khỏe mạnh. Hỷ và Loan đã quyết định ở lại A Túc để dựng xây cuộc sống cùng “thần tượng” Phơi. “Nhiều cuộc đời đã đổi thay nhờ anh Phơi rồi đó!”, anh Loan chia sẻ.
Phơi cũng luôn động viên, khích lệ người khuyết tật bước ra khỏi lớp vỏ bọc tự ti để khởi nghiệp. “Đã làm việc thì có thất bại, có thành công. Đối với người khuyết tật, điều đáng khen nhất là... dám bắt đầu”, Phơi khẳng khái.
Nhà Phơi bây giờ có không ít bằng khen, giấy khen các cấp biểu dương cho những nỗ lực vươn lên làm ăn kinh tế, giúp đỡ người khác. Nhưng với rất nhiều người Pa Kô Vân Kiều, vượt lên trên hết, Phơi như một đứa con mạnh mẽ nhất, can trường nhất của núi rừng. Đứa con ấy có tâm hồn lành lặn trong cơ thể khuyết tật, không chịu đầu hàng số phận và biết cách truyền lửa cho người khác...