THẮNG LỢI HIỆP ĐỊNH PARI VỀ VIỆT NAM-THẮNG LỢI CỦA BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ 

Lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh rằng ngoại giao là một mặt trận quan trọng, gắn liền với vận mệnh dân tộc và luôn có mối quan hệ hữu cơ với mặt trận quân sự, chính trị nhằm thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau cùng thực hiện mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Nhân dân Việt Nam; và nền ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là dấu son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đế quốc Mỹ đã tráo trở, lật lộng những điều đã ký kết, thành lập quốc gia riêng: dồn dân, lập ấp chiến lược; đồng thời, khủng bố dã man những người kháng chiến cũ…Trước ý đồ đen tối của kẻ thù, nhân dân miền Nam đã nhất tề đứng lên phản kháng quyết liệt. Tuy vậy, chỉ khi chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và sau đó, là sự thất bại liên tiếp trên các chiến trường miền Nam; đặc biệt bị ngấm đòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, dẫn tới sự cáo chung của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” Mỹ buộc phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.

Hội nghị Pari về Việt Nam, nếu kể từ bắt đầu cuộc đàm phán ngày 13/5/1968 đến khi ký Hiệp định đã kéo dài 4 năm 9 tháng, qua 202 phiên họp công khai, 24 cuộc họp riêng. Đây là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh cũng dài nhất trong thế kỷ XX. Là cuộc đối thoại giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường, một bên là lực lượng xâm lược của một đế quốc đầu sỏ và bè lũ tay sai, có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế; một bên là lực lượng chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, yếu về quân sự và kinh tế nhưng lại có sức mạnh của chính nghĩa. Đây còn là tâm điểm cuộc đối chọi giữa hai nền ngoại giao, một bên là nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường đã từng tồn tại trên 200 năm, một bên là nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Đây, là cuộc đấu tranh quyết liệt “giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược, gọi tắt là đấu chí, đấu trí, đấu lý và đấu mưu”.

Mặc dù, ngoan cố đến phút chót, Mỹ quyết “thương lượng trên thế mạnh” nhưng trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đặc biệt là với chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ; cùng với sức ép của nhân dân Mỹ và dư luận thế giới, buộc Mỹ và Nguỵ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam.

Hiệp định Pari về Việt Nam đánh dấu sự thất bại của chính sách xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và cũng là thất bại thảm hại nhất trong lịch sử chiến tranh của nước Mỹ. Đối với chúng ta, việc ký Hiệp định Pari ta đã đạt được hai yêu cầu cơ bản nhất: một là buộc Mỹ phải rút toàn bộ, triệt để và nhanh chóng các lực lượng vũ trang khỏi miền Nam Việt Nam, không được can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam; hai là ta vẫn duy trì được lực lượng quân sự, chính trị ở miền Nam, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Nam tiếp tục tiến lên. Hiệp định Pari về Việt Nam là thắng lợi của đường lối đấu tranh ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sinh động tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Hiệp định Pari về Việt Nam là thắng lợi của phong trào cộng sản quốc tế, của tình đoàn kết xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc và các lực lượng hoà bình, tiến bộ trên thế giới, trong đó, có nhân dân Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị này, chia sẻ: Cuộc đấu tranh ở hội nghị cho chúng ta rất nhiều bài học và những bài học đó vẫn có giá trị cả ngày nay và mai sau. Đó là, bài học phải giữ vững nguyên tắc về độc lập tự chủ, phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, phải biết rõ lực lượng mình như thế nào, đối phương ra sao để quyết định từng bước đi và luôn luôn có sự kết hợp giữa chiến trường và trên mặt trận ngoại giao – đó là bài học về độc lập tự chủ. Thứ hai, là phải hết sức kiên định đối với lập trường nguyên tắc và mục tiêu chiến lược của mình, nhưng trong sách lược phải biết mềm dẻo. Bài học thứ ba là biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

49 năm đã trôi qua, nhưng những kinh nghiệm và bài học quý báu được rút ra trong quá trình đàm phán buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam, đang được phát huy tích cực trong việc triển khai đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ CNH-HĐH. Theo tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với những nội dung cốt lõi sau đây: Về tư tưởng chỉ đạoThực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng. Về nguyên tắc đối ngoạiBảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Về phương hướng đối ngoạiTriển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng các doanh nghiệp. Đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học "dĩ bất biến, ứng vạn biến"kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược. Và cuối cùng là nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại: Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Các nhiệm vụ này có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau, trong đó giữ vững hoà bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm, một Nhà nước năng động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, một nhân dân thông minh và anh hùng; đặc biệt những kinh nghiệm quý báu từ Hội nghị Pari nhất định hoạt động ngoại giao sẽ có những đóng góp xứng đáng, góp phần vào sự phát triển toàn diện, vững chắc của đất nước. Trí Ánh

1204 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 795
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 795
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87028972