|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: T.L) |
Bộ Tài chính cho biết, nguồn ngân sách từ thu nội địa ước đạt 151,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% dự toán, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 11,1% dự toán, giảm 20,9%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,9% dự toán, giảm 19,6%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt 14,9% dự toán, giảm 14,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 12,7% dự toán, tăng 0,2%; các loại phí, lệ phí đạt 11,4% dự toán, tăng 0,1%; các khoản thu về nhà, đất đạt 13,3% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối với thu từ dầu thô, trong tháng 1, thu từ dầu thô ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,8% dự toán, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2021, do cả giá và sản lượng dầu thô tăng so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, giá dầu của Việt Nam thanh toán trong kỳ bình quân đạt 75,6 USD/thùng, cao hơn 15,6 USD/thùng so với giá dự toán, tăng 48,9% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 800 nghìn tấn, bằng 11,4% kế hoạch, tăng 12,67% so với cùng kỳ. Trước đó, sản lượng dầu thô tháng 1/2021 đạt 710 nghìn tấn, bằng 8,9% kế hoạch.
Tháng 1 cũng là tháng nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có mức tăng cao. Với tổng số thu ước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu (XNK) bằng 11,4% dự toán, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 ước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chính tăng mạnh, như xăng dầu tăng 16,9%; sắt thép các loại tăng 17,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 23,7%,... tác động làm tăng thu NSNN trong lĩnh vực này. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (12 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,2% dự toán, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù đạt khá so với dự toán, song thu NSNN tháng 1/2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do tình hình kinh tế quý 4/2021 phục hồi chậm trước tác động của dịch bệnh diễn biến phức tạp với những biến chủng mới nguy hiểm, lây lan nhanh, một số ngành tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như: khai thác quặng kim loại giảm 20%; sản xuất bia giảm 3,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,5%; sản xuất ô tô giảm 9,4%.
Ở chiều ngược lại, tháng 1/2022, tổng chi cân đối NSNN đạt 113,9 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội (chiếm 74,9% tổng số chi NSNN), tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn (chiếm 13,7% tổng số chi NSNN).
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 13,62 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2022. Riêng chi đầu tư phát triển, do trong tháng 1 các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán vốn cho các dự án thuộc kế hoạch năm 2021 (ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 đến hết tháng 1/2022 đạt 90,3% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm); đồng thời, đang trong quá trình phân bổ, giao chi tiết và thông báo kế hoạch vốn năm 2022 cho các chủ đầu tư, nên tiến độ chi tháng 1 đạt thấp (ước đạt 2,5% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cũng theo Bộ Tài chính, trong tháng 1, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong tháng 1/2022, Bộ Tài chính đã phát hành gần 23,08 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 15,81 năm, lãi suất bình quân 2,36%/năm./.