Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thăm hỏi, động viên gia đình bà Hồ Thị Nhối. Ảnh: Trúc Hà
Hy sinh vì Tổ quốc và nhân dân
Năm 1976, Đại úy Nguyễn Xuân Tăng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, được điều động tham gia Đội phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Công việc vô cùng gian nan, vất vả và nguy hiểm, không chỉ bởi bom mìn còn sót lại trên biên giới sau chiến tranh, mà còn bởi những hiểm họa từ chốn rừng thẳm.
Ngày 10-8-1978, Đội phân giới cắm mốc quyết định rút khỏi thực địa để trở về trụ sở chính. Đêm ấy, đoàn dựng lán nghỉ ở khe suối thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Rạng sáng 11-8, lũ đầu nguồn bất ngờ ập về, cuốn theo nhiều cán bộ, chiến sĩ.
Cho đến tận bây giờ, dù đã rất cố gắng, nhưng đơn vị vẫn không tìm thấy thi thể của Đồn trưởng Nguyễn Xuân Tăng cùng đồng đội. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã xây bia tưởng niệm các anh, đặt tại Đồn Biên phòng Sen Bụt (địa bàn xảy ra trận lũ) nhằm tưởng nhớ, ghi công những người đã hy sinh trong công tác phân giới cắm mốc.
Cuối năm 1999, Thượng úy Phạm Hữu Nghĩa, Đội phó Đội thủ tục Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nghỉ phép. Đó cũng là thời gian miền Trung diễn ra trận lũ lụt lịch sử. Dù chưa hết phép, nhưng anh vẫn nhanh chóng trở lại đơn vị. Ngày 25-11, trên đường qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, Thượng úy Phạm Hữu Nghĩa thấy nhiều người bị cuốn trôi, anh đã dũng cảm lao mình giữa lòng lũ dữ để cứu người. Sau đó, anh kiệt sức và hy sinh, để lại sự tiếc thương của nhân dân và đồng đội.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thì sự hy sinh của Đồn trưởng Nguyễn Xuân Tăng và Đội phó Đội thủ tục Phạm Hiếu Nghĩa luôn là tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì nhân dân. Noi gương các anh, cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cao nhất. Vì thế, nhiều năm liền, đơn vị luôn là lá cờ đầu trong các phong trào thi đua, được Bộ Chỉ huy BĐBP cũng như chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân trên địa bàn luôn yêu mến.
Thượng tá Ngô Quang Thuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: “Những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa của đơn vị mới chỉ dừng lại việc thăm hỏi, động viên và tặng quà những gia đình thân nhân liệt sĩ vào dịp 27- 7 và ngày lễ, Tết. Khi có các đoàn từ thiện đến địa bàn, chúng tôi tham mưu cho đoàn tặng quà các gia đình thân nhân thương binh, liệt sĩ, bởi thực tế, đa số những gia đình này có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng như một sự sẻ chia đối với những người đã chịu nhiều mất mát”.
Năm 2017, nhân dịp 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã thống nhất chủ trương và kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp làm nhà cho các thân nhân hiện đang thờ cúng liệt sĩ, những thương binh chưa có nhà ở kiên cố. Chủ trương đầy ý nghĩa của đơn vị được nhiều đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân nhiệt tình đóng góp. Với 460 triệu đồng quyên góp được, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã làm mới 8 ngôi nhà cho 8 gia đình thân nhân của các liệt sĩ trên địa bàn.
Mái ấm tri ân
Không khó để chúng tôi tìm ra nhà bà Hồ Thị Nhối (ở bản Lệt, xã Tân Thành, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa). Nhà bà Nhối được lợp tôn, thưng gỗ còn rất mới, ở ngay đầu cầu bê tông vào bản Lệt. Tấm biển “Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tặng nhà Tình nghĩa” được gắn trang trọng trên tường gỗ. Thấy chúng tôi tới, bà Hồ Thị Nhối hồ hởi như đón người thân ở phương xa trở về. Hàng xóm cũng nhanh chóng tới cùng tiếp khách, đám trẻ thì thập thò ở ngoài cửa.
Tuy tiếng phổ thông vẫn còn chưa chuẩn, nhưng bà Nhối vẫn cố gắng diễn đạt về câu chuyện của gia đình cho chúng tôi nghe. Khi nhận được tin em trai mình hy sinh, cả gia đình rất đau buồn. Rồi mọi người động viên nhau: “Mất mát ấy không gì bù đắp được, nhưng đó cũng là vinh dự cho gia đình, bởi sự hy sinh ấy là vì Tổ quốc, vì nhân dân”.
Là chị cả, nên khi cha mẹ mất, bà Nhối đã đưa di ảnh của em về thờ trong gia đình. Chồng bà, người đàn ông hiền lành, chịu khó cũng rất đồng tình. Năm 2017, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã mang đến cho gia đình bà món quà đặc biệt là căn nhà khang trang này. Vậy là từ đấy đến nay, mỗi khi trời mưa gió, bão bùng, gia đình bà không còn phải lo về chỗ ở cũng như chỗ để thờ phụng, hương khói cho em trai, người đã hiến cả tuổi xuân cho đất nước.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thắp hương tri ân tại gia đình liệt sĩ trong địa bàn. Ảnh: Trúc Hà
Căn nhà của ông Hồ Về (thương binh 4/4, ở khóm Khe Đá, thị trấn Lao Bảo) là căn nhà gỗ mà bất kỳ ai đi qua cũng không thể rời mắt, bởi được làm theo phong cách nhà truyền thống của người Pa Cô. Ông Hồ Về kể, khi còn thanh niên, cũng như nhiều trai tráng khác trên dải Trường Sơn, ông vào bộ đội, đi đánh Mỹ. Năm 1970, ông bị thương, phục viên trở về quê nhà. Với bản lĩnh của người lính từng tham gia chiến đấu, ông luôn là người chăm chỉ lao động sản xuất.
Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, nên ông không lao động được nhiều. Khi trở trời, vết thương cũ tái phát, ông chỉ có thể nằm một chỗ. Anh em họ hàng, làng xóm “góp gỗ” để dựng nhà cho ông. Thế nhưng, tiền thuê thợ dựng nhà quá lớn, trong khi đó, dù cố gắng lắm, ông cũng chỉ có thể kiếm đủ trang trải cuộc sống, cho nên đến trước khi anh em Biên phòng giúp ông tiền để dựng nhà, số gỗ ấy vẫn nằm nguyên trong lán.
Ước mơ của ông Hồ Về đã thành hiện thực khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hỗ trợ làm nhà. Sau hơn 3 tháng thi công, căn nhà đã được hoàn thành trong niềm vui không chỉ của gia đình ông mà cả của họ hàng, hàng xóm. Ai cũng mừng cho người thương binh chịu thương chịu khó sau bao vất vả đã thực hiện được mơ ước của mình.
Tháng 7, nhiều người từ phương xa đến Lao Bảo, thăm Khu di tích Nhà tù Lao Bảo, nơi ghi lại tội ác của giặc và cũng là nơi đã chứng kiến bản lĩnh kiên trung của những người cộng sản. Nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi lần này trở lại thấy khu di tích được xây mới công trình nhà chờ cho thân nhân liệt sĩ, khách tham quan. Hỏi ra mới biết, đây là công trình vừa được hoàn thành do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và UBND thị trấn Lao Bảo. Bất chợt, lòng ai cũng khoan khoái như gặp cơn mưa rào giữa những ngày oi ả, khô khát.
Trúc Hà