“Cho tôi hôm nay
vào Thành cổ
Thắp một nén nhang
cho người nằm dưới mộ
Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ
Xin chớ vô tình,
với người hy sinh
Cho mảnh đất quê mình…”
|
Thành cổ Quảng Trị là không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng về một thời hoa lửa. |
Quảng Trị những ngày tháng 7 mang một màu rất khác, đó là màu linh thiêng của Tổ quốc, đó là nỗi lòng thành kính, sâu nặng nghĩa tình của người dân từ khắp mọi miền đất nước hướng về nơi đây, dâng nén tâm nhang, thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
May mắn có dịp đến thăm Quảng Trị cùng Đoàn Thanh niên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong “Hành trình theo bước chân những người Anh hùng” dịp này, chúng tôi có cơ duyên được gặp và trò chuyện cùng những cựu chiến binh năm xưa, được dâng hương và nghe kể lại những chiến tích hào hùng của một thời bom đạn máu lửa năm xưa tại những di tích còn sống mãi với lịch sử, đó là Ngã 3 Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); Thành cổ Quảng Trị hay Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9... Mỗi địa điểm đi qua, đều để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc khó quên.
|
Đoàn viên, thanh niên EVN thăm Thành cổ Quảng Trị. |
Xúc động khi lần đầu tiên được đến thăm mảnh đất Quảng Trị vào những ngày tháng 7 lịch sử, anh Nguyễn Hoàng Anh, Phó bí thư Đoàn Thanh niên EVN cho biết, qua những chuyến đi như thế này, chúng tôi hiểu rõ hơn những giá trị lịch sử, những chiến tích cao cả mà các bác, các anh đã hy sinh, đã đổ máu để chúng ta có ngày hôm nay. Những kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị đều chứa đựng một câu chuyện xúc động mà chỉ khi đến tận nơi, được nhìn thấy, được nghe kể thì mới thấu hiểu được sự hy sinh mất mát mà những người trải qua chiến tranh phải gánh chịu. Đọng lại trong tôi là bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết cho mẹ già và người vợ mới cưới được 7 ngày đã phải xa chồng. Anh đã hy sinh giữa những ngày bom đạn khốc liệt nhất ở Quảng Trị trước khi bức thư đến tay người nhận. Ngoài ra, khi đến Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi còn được nghe hướng dẫn viên kể về những năm tháng hào hùng của đất nước và hình ảnh hàng ngàn chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị.
|
Đoàn dâng những nén hương đến các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. |
Chị Đỗ Thu Trang, cán bộ văn phòng Đảng ủy phụ trách công tác Đoàn Thanh niên của Tập đoàn EVN chia sẻ: Đến với Ngã ba Đồng Lộc, tôi mới hiểu hết sự linh thiêng của mảnh đất này. Câu chuyện về mảnh đất và con người nơi đây khiến mọi người đều thật sự xúc động và cảm phục. Một ngã ba đã đi vào lịch sử, đã trở thành huyền thoại đáng tự hào của tuổi trẻ Việt Nam. Bởi đó là nơi ngã xuống của 10 cô gái khi tuổi đời của họ còn rất trẻ.
Còn đối với anh Phạm Xuân Minh Trí, Bí thư Đoàn thanh niên Ban Quản lý Nhiệt điện 2 thì ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn – nơi có hàng vạn ngôi mộ nhưng điều ám ảnh nhất đối với anh, đó là còn rất nhiều những ngôi mộ chưa có tên. Trong không khí linh thiêng, chúng tôi bắt gặp một người lính già, mái tóc bạc phơ trở lại chiến trường thắp nén nhang cho đồng đội, đôi mắt ngấn lệ. Có lẽ, niềm hạnh phúc đối với ông là về mảnh đất này để được "trò chuyện" và "gặp lại" những đồng đội cũ...
Bài, ảnh: DIỆU THÚY