Lịch sử dân tộc Việt Nam được viết nên bởi nững trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm. Ở hai cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc trong thế kỉ XX, theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho quê hương, đất nước. Các anh, các chị, có người đã ngã xuống trên chiến trường, có người trở về mang trên mình những thương tích của chiến tranh. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ. Những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con mãi mãi không về, những đứa con có khi còn không nhớ mặt cha…
Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy; giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ; của cải, ruộng nương, làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu vào lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Các anh ra đi để lại sự hòa bình cho Tổ quốc, làm nên dáng hình đất nước. Để rồi, mỗi một người Việt Nam hôm nay khi đặt chân đến những chiến trường xưa, những mảnh đất bom cày đạn xới… hay những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp dải đất hình chữ S đều không khỏi ngậm ngùi rơi lệ.
Trong số những nơi còn lưu dấu những đau thương mất mát ấy không thể không nhắc đến Quảng Trị. Trên mảnh đất Quảng Trị hôm nay, có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9, mỗi nghĩa trang quy tụ hơn mười nghìn liệt sĩ. Trên những triền dốc nho nhỏ, bóng rừng thông nghiêng mình phủ lên những nấm mồ thẳng tắp, cái có tên, năm sinh, quê quán, cái chưa xác định được tên tuổi…các anh đã quy tập về đây sau khi oanh liệt ngã xuống tại chiến trường... Riêng Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn được coi là hai nghĩa trang đặc biệt nhất -“nghĩa trang không nấm mồ” với hàng nghìn liệt sĩ đã nằm xuống khi tuổi đời mới chỉ mười chín đôi mươi, nơi gắn với trận chiến khốc liệt, bi hùng, đó là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328 nghìn tấn bom, 1 triệu 230 nghìn 328 viên đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay bắn phá. Trung bình mỗi chiến sĩ ở đây mỗi ngày đêm phải hứng chịu khoảng 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ đã trở thành 81 ngày đêm huyền thoại, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Và trong 81 ngày đêm ấy, dòng sông Thạch Hãn đã là chứng nhân của hàng ngàn chuyến đò từ bờ Bắc đưa các đơn vị bộ đội vượt sông vào chốt giữ Thành. Rồi cũng chính trên dòng sống đó, hàng trăm chuyến đò khác đã đưa thương binh, liệt sĩ từ Thành cổ trở ra. Cứ mỗi đêm có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Xác thân các anh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời Quảng Trị. Những cánh thư viết vội cho người thân, có lá thư chưa tìm được địa chỉ, có lá thư tiên đoán được cái chết sẽ đến với mình trong những ngày mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tận cùng… Vậy mà các anh vẫn lạc quan, bình tĩnh đến lạ thường, thâm tâm luôn chắc chắn một điều rằng rồi đây nước nhà sẽ độc lập - ngày ấy sẽ không còn xa.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau. Để tưởng nhớ những người đã khuất, hoặc hi sinh một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống của Nhân dân, hàng năm, cứ đến ngày 27/7, đồng bào cả nước lại hành hương về những “địa chỉ đỏ” của đất nước để thắp những nén tâm nhang cho những người đã ngả xuống; thông qua những hành động “đền ơn đáp nghĩa” thiết thực để làm ấm lòng những thương, bệnh binh hay thân nhân liệt sĩ vẫn đang sống. Những việc làm này không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc mà cũng là cách để chúng ta thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ chí Minh lúc sinh thời: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Cho nên đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng", "Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại". Minh Huyền.