THÁNG 5 NHỚ BÁC 

Tháng 5 về mang theo hương lúa, hương sen và nỗi nhớ thương da diết của muôn triệu người con đất Việt đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc, người đã hi sinh cả cuộc đời “vì nước, vì non”, “nâng niu tất cả chỉ quên mình” – Hồ Chí Minh.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh của một người Việt Nam đẹp nhất trong những người Việt Nam đẹp nhất, một ngôi sao sáng nhất trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, là “sen của loài người”. Đó là người “cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không choáng ngợp, gặp lần đầu mà như đã gặp từ lâu” như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói. Từ Người tỏa ra một sự ấm áp, giản dị đến lạ kỳ mà bất kỳ ai dù chỉ mới gặp một lần, hay những ai chưa từng vinh dự được gặp, chỉ nghe và biết về Người qua những trang sách, lời kể. Có lẽ, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung chưa bao giờ có một vị lãnh tụ giản dị, gần gũi mà thanh cao đến vậy. Dù ở trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của dân tộc, Bác vẫn sống một cuộc đời giản dị, đạm bạc, với “cháo bẹ, rau măng” của những tháng ngày cách mạng còn trong trứng nước hay là cơm nắm, cá kho, cà muối, canh cua…, không cao lương, mỹ vị; vẫn tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi cá…; khi đi thăm hỏi đồng bào, đồng chí, ít khi Bác báo cho biết trước và càng không cho tổ chức tiếp đón linh đình; nơi Người đến thăm và muốn đến thăm thường là những nơi đồng bào còn khó khăn, đói khổ, nơi ăn, chốn ở của các chiến sĩ… Ở Bác, sáng ngời một nhân cách mà “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay và uy vũ không thể khuất phục”.

Nhà báo người Liên Xô Ô.Man-đen-xtam từng nói: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai” - đó là nền văn hóa độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam và nhân loại!  Với trái tim bao dung rộng lớn, Bác ôm trọn và dành tình thương yêu bao la cho tất cả, suốt đời phấn đấu không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, vì hạnh phúc, ấm no cho đồng bào mình. Nhà thơ Tố Hữu từng nghẹn ngào trong từng câu chữ:

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chở nặng phù sa.

 (Theo chân Bác - Tố Hữu)

Tháng 6 năm 1911, đau xót khi tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam chìm đắm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào yêu nước đều lần lượt thất bại, bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, cùng với nhãn quan chính trị thiên tài, người con ưu tú của dân tộc – Văn Ba đã nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin của Pháp với quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Khi tình yêu Tổ Quốc, tình yêu Nhân dân đã bùng cháy thì không một sức cản nào, không một khó khăn nào có thể ngăn nổi bước chân người thanh niên ấy ra đi “tìm hình của nước”:

                            Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,

Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,

Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, với đôi bàn tay và trái tim đầy nhiệt huyết, Người không quản ngại khó khăn, vất vả, cả những hiểm nguy luôn rình rập xung quanh, sống, làm việc, hòa mình vào quần chúng cần lao, đến các vùng nông thôn hẻo lánh ở Niu-Oóc, Luân-đôn, Pa-ri, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu các phong trào cách mạng thế giới như: Cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789 và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. Dù đến đâu, Người cũng để lại trong lòng bạn bè thế giới một biểu tượng đẹp về lòng yêu nước vô tận. Tất cả những gì Người đã làm, từ những điều bé nhỏ đến những điều lớn lao, đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước chân thành. Năm 1920, tại Pari, Năm 1920, tại Pa-ri, Pháp đã diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác - Lênin qua Bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đăng trên Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Người đã vô cùng xúc động, bởi với Người, Luận cương của V.I.Lênin chính là ánh sáng soi đường giải phóng dân tộc, cứu dân, cứu nước:

Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.

Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:

"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười.

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người vạch ra chân lý: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Và “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Từ đây, trong tư duy của Người đã có sự chuyển biến sâu sắc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam; Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp; hình thành con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Khi Chủ nghĩa Mác - Lênin đã thật sự thâm nhập sâu vào phong trào công nhân và chiếm ưu thế trong phong trào yêu nước Việt Nam, ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời, khẳng định bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam. Trước yêu cầu lịch sử, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị thông qua Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày…  Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, liên tiếp giành thắng lợi trong các giai đoạn 1930-1931, 1936-1939, tạo ra thế và lực mới, giành thắng lợi khi có thời cơ. Theo sát từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam, Người tìm mọi cách đề nghị với Quốc tế cộng sản bố trí công tác phù hợp để tham gia trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Được sự nhất trí của Quốc tế Cộng sản, ngày 28-01-1941, về tới cột mốc 108, biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu bồi hồi, xúc động trào dâng “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ, hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình”…

Trở về quê hương sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng ghềnh, thử thách, cập bến thành công. Người là “mặt trời”, là “ngọn hải đăng” dẫn đường chỉ lối, là niềm tin là sức mạnh, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã làm nên những chiến công vang dội, đem lại cơm no, áo ấm và nền độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày 02-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh! Trong hai cuộc kháng chiến, Người đã xác định đúng kẻ thù cơ bản, đánh giá đúng so sánh lưc lượng giữa ta và địch. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh tổng hợp, duy trì và dẫn dắt hai cuộc kháng chiến phát triển tới thắng lợi hoàn toàn. Đó là: đường lối “kháng chiến, kiến quốc”-  không chỉ soi đường, dẫn lối cho cách mạng nước ta từng bước xây dựng mọi tiềm lực, đẩy lùi “giặc đói”, chống “giặc dốt”, mà còn làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động đại cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương; đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng do Hồ Chí Minh khởi xướng tại Đại hội III, sau đó cũng đóng vai trò quyết định, dẫn dắt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn; chiến lược cách mạng XHCN giúp xây dựng được hậu phương miền Bắc XHCN vững chắc, đóng vai trò quyết định nhất đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến; chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân - trực tiếp quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; chủ trương thắng từng bước với việc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” - phương hướng kết thúc chiến tranh trong quan điểm chủ đạo của Người. 

Công lao to lớn mà Người dành cho dân tộc Việt Nam không thể kể hết thành lời. Vì vậy, khi Người đi vào cõi vĩnh hằng, trong Điếu văn, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc trước nhân dân: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.” Hình ảnh Bác kính yêu luôn là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm trái tim cho những người con mang trong mình dòng máu Việt Nam.

Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành những khâu chuẩn bị cuối cùng cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - “là một dịp để toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có dức để gánh vác công việc nước nhà” (Hồ Chí Minh), mặt khác, còn phải “căng mình” trong “cuộc chiến” chống lại đại dịch COVID – 19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, nhưng với tất cả lòng kính yêu dành tới Người, tin chắc rằng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm, đoàn kết một lòng thực hiện cuộc bầu cử thành công, an toàn, hiệu quả; chiến thắng đại dịch, trả lại cuộc sống yên bình cho đất nước mà Người đã vất vả, hi sinh, tìm về từ tay thực dân, đế quốc; xứng đáng với tâm nguyện của Bác trước lúc đi xa. Minh Huyền

 

704 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 989
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 989
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87203950