Theo ông Đỗ Văn Sinh, nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% trong năm nay mà nhờ vào sự tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài hay tăng trưởng của thị trường chứng khoán hay bất động sản rất có thể gây ra “bong bóng” thị trường. Do đó, cần phải kiểm soát chặt chẽ 2 thị trường chứng khoán và bất động sản để tránh những tác động ngược đến nền kinh tế.
Lưu ý về số liệu tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng qua, ông Sinh cho biết, sơ bộ đạt khoảng 11% và theo dự kiến của Chính phủ tín dụng sẽ tăng khoảng 21% trong năm nay. Tuy nhiên, đánh giá trên góc độ đóng thuế thì nền sản xuất những tháng qua không đạt tăng trưởng như kế hoạch. Theo đó, số thu thuế trong 9 tháng năm nay của cả 3 khu vực (doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh) chỉ đạt khoảng trên 60%. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp không hoạt động hoặc đang ngừng hoạt động, thậm chí giải thể cũng rất lớn.
Từ phân tích các số liệu trên, ông Sinh đánh giá, tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, dù đây là tín hiệu tốt, nhưng lại không phải những lĩnh vực trực tiếp đóng góp làm ra của cải vật chất, nên cần thận trọng khi “bơm” tiền vào các lĩnh vực này.
Trước ý kiến cho rằng, chưa cần thiết phải đẩy tăng trưởng tín dụng lên mức 21-22% vì theo thông lệ, mức tăng trưởng tín dụng chỉ nên duy trì ở mức cao gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP, ông Sinh cho rằng, nếu tăng trưởng tín dụng tăng cao và được đổ vào lĩnh vực sản xuất thì nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, còn nếu đổ vào thị trường trung gian thì cần phải cân nhắc thận trọng.
Trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tín dụng nền kinh tế cuối tháng 10 ước tăng 12,69% so với tháng 12/2016 và tăng 11,8% so với cùng kỳ 2016. Như vậy, so với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 21% trong năm nay thì tín dụng nền kinh tế vẫn còn khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ cũng đã chỉ rõ, mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch 21% là mục tiêu đặt ra còn đạt được hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế.