Thận trọng trong phát triển cây cao-su tại các tỉnh Bắc Trung Bộ 

Cơn bão số 10 gây thiệt hại lớn đối với sản xuất và đời sống của người dân các tỉnh miền trung, trong đó diện tích cây cao-su ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bị đổ gãy khá lớn. Cùng với việc khẩn trương khôi phục sản xuất, cần có giải pháp trong việc phát triển cây công nghiệp bền vững trên vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão.

“Vàng trắng” cuốn theo bão

Chúng tôi đến vùng đất đồi Võ Thuận ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) rộng gần 500 ha, được xem là thủ phủ cao-su của người dân xã gò đồi Tây Trạch, tận mắt chứng kiến cảnh rừng cao-su mới bước vào tuổi khai thác mủ tan hoang sau cơn bão số 10. Ông Lê Hồng Sơn, ở thôn 3 Võ Thuận, xã Tây Trạch, cho biết, rừng cao-su của gia đình hơn 5 ha, trong đó có 4 ha đã đưa vào khai thác. Sau bão, cả rừng cây bị gió đánh tan hoang. Ông Sơn chia sẻ: “Rừng cao-su đã qua được trận bão năm 2008, rồi vượt qua được bão lớn năm 2013, nhưng đến trận bão vừa rồi thì gục ngã. Bốn ha cao-su sau khi trừ chi phí cho thu nhập 2,5 triệu đồng mỗi ngày, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ gió bão quăng quật chừ (giờ) chỉ chặt bán củi”.

Bên kia đường là vạt rừng rộng hơn 2 ha của anh Dương Đức Phiệt, ở thôn 2 Võ Thuận, xã Tây Trạch. Giữa rừng cao-su, anh bần thần như không tin tài sản có giá trị lớn của gia đình nay chỉ là đống đổ nát. “Đúng là trời cho chộ (thấy) nhưng không cho ăn, chừ giá tăng lên, người trồng có lãi khá thì bão phá hết. Tui cũng may mới rồi bòn mót trả nợ vay ngân hàng vừa xong”- anh Phiệt chua chát nói. Khi được hỏi, sau đợt này anh có còn ý định trồng cao-su nữa không, anh Phiệt cho biết có thể tiếp tục trồng. Cây cao-su đã mang lại sự no đủ cho người dân Tây Trạch nên khó tìm cây khác thay thế.

Theo Chủ tịch UBND xã Tây Trạch Dương Văn Khánh, toàn xã có 1.100 ha cao-su và phần lớn được đưa vào khai thác. Bình quân mỗi ngày, 1 ha cao-su cho thu nhập 500 nghìn đồng. Như vậy, mỗi ngày, người dân Tây Trạch có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Xã đang phấn đấu vào cuối năm nay sẽ cán đích xây dựng nông thôn mới, nhưng có thể sẽ gặp khó khăn do thiệt hại sau bão.

Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích cây cao-su lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Ngoài diện tích cao-su của các hộ dân thì Công ty TNHH MTV Việt Trung cũng có hơn 1.000 ha cao-su đang khai thác. Phó Giám đốc Công ty Phan Văn Thành cho biết, bốn năm trước, cơn bão số 10 (năm 2013) đã khiến hầu hết diện tích cao-su của Công ty đổ gãy, gây thiệt hại lớn chưa kịp hồi phục, thì cơn bão số 10 năm nay lại tàn phá hơn 70% diện tích còn lại, trong đó hơn 40% số cây buộc phải chặt bỏ, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Do ảnh hưởng của bão số 10, tỉnh Quảng Trị có hơn 2.500 ha cây cao-su bị đổ gãy. Tại vùng trồng cao-su tiểu điền của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, những cây cao-su có đường kính từ 20 đến 25 cm bị gãy ngang thân hàng loạt, thân gãy lìa gốc ngổn ngang và vô số cây bật rễ, ngả nghiêng. Dừng tay đốn hạ những thân cao-su gãy, lau mồ hôi, anh Trần Văn Phương, ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Sau bão, người dân trồng cao-su ra vườn thấy cây nghiêng ngả, gãy đổ ai cũng bật khóc. Cả gia tài, chỉ trong chớp mắt cuốn phăng theo bão. Bao công sức, tiền vốn đổ ra mấy năm trời rứa là trắng tay”. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Trần Hữu Hùng cho biết, toàn huyện có hơn 1.500 ha cao-su bị đổ gãy, trong đó nhiều diện tích thiệt hại hơn 70%. Ngoài nguyên nhân chính khiến cây cao-su bị thiệt hại là do bão số 10 quá mạnh, thân cây giòn không chịu được sức gió, còn có nguyên nhân người trồng cao-su chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích mà ít quan tâm đến việc trồng cây tạo vành đai chắn gió cho vườn. Một số hộ gia đình kiến thiết vườn cây cao-su chạy theo số lượng, nên trồng với mật độ quá dày tạo nên sức cản gió lớn khiến cây nhanh chóng gãy đổ khi gặp bão. Trong khi khai thác cao-su chạy theo lợi nhuận nên cạo mủ theo kiểu “vắt kiệt” khiến cây cao-su yếu không đủ sức chống chịu được với gió bão.

Bài học cho phát triển cây cao-su

Quảng Bình từng là địa phương phát triển diện tích cao-su khá “nóng”, do hiệu quả của loại cây công nghiệp này mang lại. Ở địa phương đã hình thành những “thị trấn cao-su”, “xã cao su”, với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhiều nông dân làm giàu, xây dựng được cơ nghiệp từ cây cao-su. Song, sau trận bão số 10 (năm 2013), việc phát triển cây cao-su tại đây chững lại. Nhiều người đã chuyển sang trồng các loại cây khác, nhưng thu nhập còn hạn chế, cho nên vẫn muốn đầu tư trồng cao-su. Hiện toàn tỉnh có hơn 15 nghìn ha cao-su; trong đó có gần 10 nghìn ha đang trong thời kỳ khai thác. Trận bão vừa qua đã làm cho gần 3.500 ha cao-su đổ gãy, trong đó khá nhiều diện tích phải phá bỏ. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, để giảm thiệt hại trong sản xuất, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi một phần đất trồng cao-su sang trồng cỏ nuôi bò theo hướng phát triển hàng hóa, trồng rừng bản địa, trồng cây ăn quả. Hiện, tỉnh đã chuyển đổi hơn 400 ha đất trồng cao-su trước đây cho một doanh nghiệp chăn nuôi 1.500 con bò thịt.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cũng khẳng định, hiệu quả kinh tế từ cây cao-su cho thấy chủ trương mở rộng và phát triển cây cao-su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân... Tuy nhiên, để cây cao-su phát triển bền vững hơn, các ngành liên quan và địa phương cần rà soát lại quy hoạch chi tiết các vùng trồng cây cao-su trên địa bàn tỉnh; không mở rộng thêm diện tích cây cao-su ở vùng ven biển trực tiếp đón gió bão; không nên trồng lại cây cao-su bằng mọi giá.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp có truyền thống gần 60 năm trồng cao-su tại Quảng Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Trung Phan Văn Thành cho rằng, thực tế là đơn vị đã chuyển đổi một số diện tích đất sang trồng các loại cây khác, nhưng chưa thành công do đặc tính thổ nhưỡng không phù hợp hoặc khó khăn về đầu ra. Mặt khác, trước đây tại Quảng Bình chu kỳ 20, 30 năm mới có một trận bão lớn, nhưng nay thì tần suất rất dày, cứ ba đến bốn năm có một trận gió bão dữ dội. Công ty trong nhiều năm qua đã đưa 12 giống cao-su vào trồng thử nghiệm và chọn được năm giống cây, dù sản lượng mủ khiêm tốn nhưng tính chống chịu gió bão khá cao. Tất cả các loại cây đó đều không thể trụ lại được với sức gió bão giật cấp 12, 14 như trận bão số 10 (năm 2013) và cơn bão vừa rồi.

Với nhiều người dân trồng cao-su ở Quảng Bình và Quảng Trị, tuy bị thiệt hại nặng sau cơn bão, nhưng nhiều người vẫn có ý định trồng lại loại cây công nghiệp chủ lực này. Ước mơ làm giàu vẫn thôi thúc họ tìm cách vượt qua khó khăn để vươn lên. Vì thế, Nhà nước cần sớm tạo ra các loại cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Đó mới là cách tốt nhất giúp người dân ổn định đời sống trên vùng đất thiên tai khắc nghiệt.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG, NGUYỄN HAI
503 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 675
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 675
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87176573