Ngày 5/6, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm "Quy định về thẩm quyền của tổ chức đảng trong việc đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng của đảng viên".
Đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: HH)
Các đại biểu tham dự Tọa đàm thống nhất đánh giá: Thời gian qua, nhiều chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành, sửa đổi, bổ sung đã góp phần tăng cường công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, suy thoái, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh báo, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm.
Tuy nhiên kết quả hoạt động của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp vẫn còn hạn chế, bất cập, chưa đồng đều, chưa toàn diện, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng chưa cao, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Một trong những nguyên nhân của hạn chế này được các đại biểu chỉ ra do các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa được hoàn thiện, trong đó có khó khăn, vướng mắc về việc đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên, đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên vi phạm.
Hiện, một số nội dung của quy định về đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên đã được nêu tại Điều 40, Quy định số 30 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được hệ thống hóa, chưa đủ rõ nên tổ chức thực hiện còn khó khăn, vướng mắc, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp. Các ý kiến khẳng định việc ban hành "Quy định về đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng đối với cấp ủy viên và đảng viên" là cần thiết, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Tô Quang Thu, những nội dung trong dự thảo Quy định tuy không mới nhưng được hệ thống lại thành một quy định chung, thiết thực trong hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp. Một số nội dung được Tổ biên tập bổ sung để dễ triển khai như tên gọi, bố cục quy định, thẩm quyền đình chỉ, thời hạn thông báo của cơ quan pháp luật... cần được thảo luận, thống nhất trước khi trình Bộ Chính trị.
Nhiều ý kiến tán thành việc bố cục của dự thảo Quy định không kết cấu theo chương mà chỉ gồm 7 điều nêu cụ thể theo thứ tự: Phạm vi điều chỉnh; Nguyên tắc chung; Thẩm quyền đình chỉ; Thời hạn đình chỉ; Thủ tục đình chỉ; Xử lý vi phạm; Tổ chức thực hiện. Các đại biểu đã trao đổi, làm rõ tính nguyên tắc và thực tiễn đối với những vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung; thống nhất các nội dung quy định về thẩm quyền, thời hạn, thủ tục đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng; quy định xử lý vi phạm và trách nhiệm tổ chức thực hiện của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và các tổ chức liên quan...
Nhiều ý kiến đề nghị những nội dung trong dự thảo Quy định phải phù hợp với các quy định đã có, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn công tác, đặc thù của từng địa phương, vùng miền, cơ quan, đơn vị...
Hình ảnh tại Tọa đàm. (Ảnh: HH)
Theo các đại biểu, hiện đang có một số vấn đề đặt ra cần được sửa đổi, bổ sung. Ví dụ, trong một số trường hợp, đồng chí bí thư hoặc cấp ủy viên là chủ tịch, tổng giám đốc, hiệu trưởng, trưởng ban, trưởng ngành…có vi phạm, chưa đến mức phải đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đình chỉ chức vụ. Nên thực tế, đồng chí này vẫn điều hành, chỉ đạo và vẫn triệu tập cấp ủy, đảng bộ, chủ trì và ra nghị quyết, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo địa phương, đơn vị; hoặc ngược lại, đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy nhưng cơ quan nhà nước không đình chỉ chức vụ, nên đồng chí đó vẫn điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn đến sự bất hợp lý trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Theo các đại biểu, vậy có nên quy định khi đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đình chỉ chức vụ và ngược lại không?
Vấn đề khác được các đại biểu đặt ra, đó là trường hợp đảng viên bỏ trốn trong quá trình tạm giam, tạm giữ hoặc bỏ trốn trước khi khởi tố, bắt tạm giam, cơ quan pháp luật phải phát lệnh truy nã, vậy có nên đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng hay thì thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng vì vô tổ chức, vô kỷ luật, không chấp hành quy định của Đảng và pháp luật theo Quy định số 102 về xử lý đảng viên vi phạm?...
Có một số trường hợp đảng viên bị khởi tố, không tạm giam, nhưng cơ quan điều tra lại thường vận dụng để đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt của đảng viên, theo các đại biểu cần có quy định cụ thể để thống nhất thực hiện…/.
Hiền Hòa