Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 5/11, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam các thời kỳ vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là Hội nghị nằm trong 4 Hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng bộ phận thường trực chuyên trách tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, qua 3 hội nghị đã tổ chức, có 42 ý kiến phát biểu trực tiếp và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản, các ý kiến góp hết sức ý thẳng thắn, nghiên cứu chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nội dung sâu sắc. Thông qua các ý kiến phát biểu của các cụ, các vị, các đồng chí, Mặt trận có thêm điều kiện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, qua tổng hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Bên cạnh đó, văn kiện có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực và thế giới. Văn kiện kỳ này tiếp tục nhấn mạnh về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung những nhân tố mới, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Dự thảo Văn kiện khẳng định: Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng; “thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Đề cập đến các đột phá, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, văn kiện xác định đột phá chiến lược vẫn là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, nhưng nội hàm được phát triển so với nội dung trong văn kiện các Đại hội trước. Trước đây nói là thể chế kinh tế thị trường, lần này chúng ta nói thể chế chung cho tất cả các lĩnh vực. Trước đây cũng nói nguồn nhân lực, nhưng bây giờ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt…

GS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cụ, các vị, các đồng chí bằng kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý chung vào các dự thảo Văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc đã nghiên cứu sâu hay qua đúc kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời góp ý sâu sắc hơn vào những đánh giá kết quả, nhận định tình hình và yêu cầu về tập hợp, xây dựng, củng cố và phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân để đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Xây dựng tốt hơn mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với dân

Là người đầu tiên góp ý tại Hội nghị, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, đất nước chưa thực sự bắt tay vào việc đón bắt cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Việt Nam chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, nhất là tại lĩnh vực dệt may, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử bằng robot; bên cạnh đó, những mô hình nông nghiệp sản xuất lớn với cánh đồng rộng lớn để tận dụng cơ khí hóa chưa được phát huy, vấn đề biến đổi khí hậu, thiếu nước sinh hoạt, phòng chống thiên tai bão lụt xen kẽ hạn hán chưa có giải pháp triệt để.

Lo lắng khi người Việt đang phải đối mặt với bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo đang gia tăng, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị, cần có giải pháp để tạo điều kiện cho các bệnh nhân không có khả năng đóng bảo hiểm y tế, không có khả năng chi trả cho điều trị bệnh ung thư trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần xem xét lại việc nhập khẩu mỗi năm 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Thay vì nhập khẩu, Việt Nam cần huy động nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế tối đa tác dụng của thuốc tới sức khỏe của nhân dân.

Nhắc đến công tác xây dựng Đảng, GS Lân Dũng cho rằng, việc tổng kết công tác xây dựng và thi hành điều lệ Đảng đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh. Nhân dân thấy rõ và với đa số quần chúng tin yêu Đảng không hề thay đổi bởi vì quanh chúng tôi mỗi đảng viên gương mẫu luôn luôn là đa số rất nhiều tấm gương người tốt. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những đảng viên liên quan đến những vụ án hàng tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng làm nhân dân tâm tư.

“Nhân dân biết rất rõ trong việc xây dựng các quảng trường, các cổng chào, các tượng đài, công trình... đã thất thoát nhiều vào tay những người lập dự án và triển khai dự án. Tình trạng này ai cũng thấy rõ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra trên phạm vi cả nước, kể cả việc xây dựng hè phố vừa xây xong lại đào lên”, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra. Một trong các nguyên nhân chính khiến tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra nhiều do không tận dụng được sự phát hiện của quần chúng nhân dân.

Nhất trí với đánh giá trong dự thảo chính trị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, trong 5 năm qua, đất nước đã đạt được rất nhiều thành tích hầu như trên tất cả các lĩnh vực cùng sự phát triển nhanh và khá toàn diện tạo ra một dấu ấn khôi phục. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng đã khôi phục niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Ông Nguyễn Túc cho rằng, dự thảo lần này có một số điểm mới, không chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. “Giai đoạn tới phải làm sao xây dựng tốt hơn mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với dân, giữa Mặt trận với dân và giữa dân với dân. Qua những gì thể hiện ở dịch COVID-19, lũ lụt miền Trung cho thấy lòng yêu nước, đoàn kết thương yêu nhau trong dân rất lớn, văn kiện cần thể hiện rõ và nhấn mạnh điều này để phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, ông Nguyễn Túc đề nghị.

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam khẳng định tham nhũng, quan liêu là tệ hại nhất cần phải được khắc phục. Tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến dân bất bình rồi xa rời chế độ. Tham nhũng, lãng phí như con đĩa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là pít-tông đẩy của cải của nhân dân ra sông, ra biển.

“Bởi vậy để chặn quốc nạn này, cần lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sĩ, kỷ luật sắt cho người cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay” – ông Vũ Trọng Kim nói.

Ông Vũ Trọng Kim góp ý tại Hội nghị.

Đồng thời phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được Nhân dân tin cậy. Phải mở rộng tính chất liên minh chính trị của Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể, các hội quần chúng, vì để sớm “sánh vai các cường quốc năm châu” không có động lực nào hơn là sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc phải được khơi dậy và phát huy cao độ…

Cán bộ điều chuyển về phải làm việc thực sự, không hình thức

Tương tự, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nội dung về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn hình thức. Phải bảo đảm làm sao dân giám sát được vấn đề này, bảo đảm làm sao người có tài sản, thu nhập bất minh phải giải trình được.

Đề cập đến vấn đề luân chuyển cán bộ về địa phương phải thực chất, ông Truyền cho rằng, cán bộ điều chuyển về phải làm việc thực sự, không hình thức, không làm chỉ để đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ, cần có đánh giá về vấn đề này.

Nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục - đào tạo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, cần đồng bộ về lĩnh vực giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập, giáo dục thường xuyên và xây dựng xã hội học tập. Bởi một quốc gia muốn phát triển phải đầu tư cho giáo dục – đào tạo, phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh, hiện đại nhưng các đột phá chưa nhấn mạnh đến những yếu tố đó.

GS Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục vì đó là con đường dẫn đến tri thức. “Phải trang bị hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Trong đột phá xây dựng chiến lược hạ tầng, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng trong trường học… Chỉ cần một con đường mấy chục ngàn tỷ đồng đã đủ để trang bị cơ sở hạ tầng cho các trường học. Nếu chúng ta quan tâm con người là yếu tố quyết định thì cần thay đổi tư duy trong vấn đề này. Cần quan tâm cho giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, chứ hiện nay mới chỉ quan tâm đến giáo dục chính quy. Một xã hội học tập mới là con đường dài”, GS Nguyễn Thị Doan nói.

GS Nguyễn Thị Doan góp ý tại hội nghị.

Nhắc tới vấn đề dân tộc được đề cập đến trong dự thảo Văn kiện, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề dân tộc có tính đặc thù quan trọng, liên quan đến quốc gia - quốc tế, có tính thời sự cấp bách và nhạy cảm. Đây không chỉ là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài mà còn là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng nước ta. Khi có sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, cơ chế thị trường, phân hóa giàu nghèo, bùng nổ thông tin,… thì đồng bào các dân tộc có điều kiện so sánh cảnh ngộ của dân tộc mình với các dân tộc khác, với đồng tộc và thân tộc ở trong và ngoài nước. Bởi vậy đồng bào dân tộc sẽ có suy tư, lo lắng, buồn phiền về sự phát triển chậm của dân tộc mình. Chính vì vậy cần có giải pháp giảm khoảng cách và sự chênh lệch về giàu nghèo giữa các đồng bào dân tộc…/.

 
Thu Hà