Hai bên đã trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar, đặc biệt là việc cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao và văn kiện ký kết thời gian qua.
Hai bên vui mừng đánh giá hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là về thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại tăng 5,5 lần, từ 152 triệu USD năm 2010 lên gần 860 triệu USD năm 2018, hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2020; Việt Nam hiện là nhà đầu tư đứng thứ 7 của Myanmar với 18 dự án lớn và tổng vốn đầu tư gần 2,3 tỷ USD.
Hợp tác trong các lĩnh vực khác như viễn thông, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải… cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hai bên nhận định Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa; đều là thành viên ASEAN và nhiều cơ chế tiểu vùng quan trọng; đều nằm trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động; có nhiều tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, năng lượng, khai khoáng, du lịch…. Do đó, quan hệ hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâu rộng hơn nữa.
Tuy nhiên, hai bên cũng thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế, hệ thống pháp luật và quy định của mỗi nước khác nhau. Hai bên đề xuất một số sáng kiến, trong đó có việc thiết lập cơ chế Đối thoại thường niên giữa Lãnh đạo cấp cao Myanmar với doanh nghiệp Việt Nam, một số đơn vị của Bộ Ngoại giao hai nước có cơ chế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyên môn và biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước.
Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Bí thư Thường trực Myanmar Soe Han chia sẻ nhận định tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn ngày càng tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương. Trước tình hình đó, ASEAN cần tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh thực hiện thành công Cộng đồng ASEAN, khẳng định vị thế và vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao các chia sẻ tin cậy của Bí thư Thường trực Myanmar về tình hình Ra-khai gần đây; ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Myanmar và cho rằng với vấn đề có nguồn gốc sâu xa như Ra-khai, mọi giải pháp cần được xem xét một cách toàn diện, hợp tác hiệu quả với các bên liên quan và lấy yếu tố nhân đạo làm trung tâm.
Hai bên đánh giá cao hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua, đặc biệt là phối hợp thu xếp các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước và tổ chức thành công các cơ chế hợp tác, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương lần thứ 9; hài lòng việc hai bên hoàn tất đàm phán, chuẩn bị ký kết MOU về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao với nhiều nội dung thực chất, phù hợp với tình hình mới.
BNG