Phó Thủ tướng ân cần thăm hỏi và chúc sức khỏe các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; khẳng định Ðảng, Nhà nước luôn ghi nhớ công lao to lớn của các mẹ, các gia đình chính sách, thân nhân các liệt sĩ, người có công với cách mạng. Ðồng thời lưu ý, các ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức và người dân đặc biệt quan tâm đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước, thể hiện tốt đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với những người đã hy sinh xương máu, các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cùng đoàn công tác và đông đảo cựu chiến binh, tăng ni, phật tử đã dâng hương, dâng hoa tại Ðài tưởng niệm bờ nam sông Thạch Hãn; thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn và dự lễ cầu siêu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
* Sáng 14-7, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Tư pháp cùng đoàn công tác tới thăm, trao quà tặng các thương binh, bệnh binh, người có công, người khuyết tật trong tỉnh Thanh Hóa.
Bộ trưởng Lê Thành Long cùng đại diện Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting trao 170 xe lăn, 30 xe lắc, tổng trị giá 316 triệu đồng, tặng các thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật của các huyện: Hà Trung, Ðông Sơn, Quảng Xương, Như Thanh, Nông Cống, Vĩnh Lộc và TP Sầm Sơn. Ðoàn đến thăm, trao quà và 100 triệu đồng tặng các thương binh, bệnh binh, người có công đang được chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng người có công ở phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn.
* Sáng 14-7, tại Hà Nội, Cục Người có công, Tạp chí Lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Ðảng tổ chức hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh - liệt sĩ: Lý luận và thực tiễn”.
Hội thảo nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị - xã hội và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ, thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 70 năm đã trôi qua, những căn dặn Bác Hồ viết trong bức thư đầu tiên gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị; làm cơ sở, nền tảng trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Ðảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Từ đầu năm 2017 đến nay, Huyện đoàn Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Hội Thiện nguyện Hữu Lũng trao tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh 996 suất quà, tổng trị giá hơn 251 triệu đồng; tổ chức gần 40 buổi tọa đàm, nói chuyện truyền thống, thu hút hơn 9.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Các cấp bộ đoàn còn hỗ trợ ngày công giúp gia đình chính sách chăm sóc 1.000 cây bạch đàn. Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức quét dọn vệ sinh nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi tặng quà, giúp đỡ ngày công các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện.
* Sáng 14-7, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 7 cho 167 mẹ. Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang có 1.623 mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện tại số mẹ còn sống rất ít, đợt phong tặng này chỉ có chín mẹ còn đủ sức khỏe để tham dự buổi lễ. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, thời gian qua các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đã làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ. Tuy nhiên, những việc làm đó chưa tương xứng những hy sinh, cống hiến và sự mất mát to lớn của các mẹ. Ðồng chí kêu gọi cả hệ thống chính trị và toàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục góp công, góp của, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
* Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, đến nay, toàn tỉnh có 14.792 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, 911 mẹ còn sống và đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời; với mức hỗ trợ hằng tháng từ 800 nghìn đến một triệu đồng/mẹ.
Tỉnh Quảng Nam đang vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, tiếp tục chăm sóc và nâng mức phụng dưỡng bình quân lên một triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/mẹ/tháng; đồng thời tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà, động viên các mẹ trong dịp 27-7...
* Sáng 14-7, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm phong trào đền ơn đáp nghĩa (2012 - 2017), biểu dương tập thể và người có công với cách mạng tiêu biểu.
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên thực hiện chính sách ưu đãi với hơn 130.000 người có công với cách mạng. Hằng tháng chi trả trợ cấp ưu đãi cho hơn 23.000 người, với tổng kinh phí hơn 650 tỷ đồng/năm. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được tỉnh chủ trương xã hội hóa sâu rộng, huy động sức mạnh của toàn xã hội, với nhiều hoạt động cụ thể. Trong 5 năm, toàn tỉnh vận động được 42 tỷ đồng xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, giúp hỗ trợ xây mới 572 nhà tình nghĩa, trị giá hơn 23,8 tỷ đồng; sửa chữa 93 nhà, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở, của 180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.