Ngày 8/11, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Công đoàn Công nghiệp và sản xuất toàn cầu (IndustriALL) tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin về việc làm bấp bênh và kinh nghiệm của quốc tế.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Minh Châu)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định đây là hội thảo rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các Hiệp định Tự do Thương mại thế hệ mới; tham gia ngày càng tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu tiên phong là ngành dệt - may, da - giày.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là tất yếu, giúp người lao động có thêm nhiều việc làm, nhất là việc làm bền vững, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia, nhưng cũng đứng trước thách thức rất lớn, đó là nguy cơ việc làm bấp bênh.
Bên cạnh đó, trong quá trình Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tổ chức công đoàn có vị trí hết sức quan trọng. Công đoàn không chỉ tham gia đàm phán để có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động, tuyên truyền vận động cho người lao động mà còn đón nhận thời cơ và vượt qua những thách thức, biến khó khăn thành cơ hội phát triển để người lao động có việc làm bền vững.
Giám đốc dự án IndustriALL Fons Vannieuwenhuyse cho biết, việc làm bấp bênh không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề ở nhiều quốc gia. Hiện số lượng lao động đang bị mất đi việc làm tiêu chuẩn ngày càng gia tăng. Dự án về việc làm bấp bênh nhằm thúc đẩy, tăng cường hơn nữa việc làm tiêu chuẩn, từ đó giảm bớt việc làm bấp bênh, ngắn hạn; tạo điều kiện làm việc cho người lao động được tốt hơn.
“Vai trò của tổ chức công đoàn rất quan trọng trong thúc đẩy công ăn việc làm, điều kiện làm việc cho người lao động”, Giám đốc dự án IndustriALL Fons Vannieuwenhuyse nói.
Tại hội thảo, đại biểu đại diện các ban của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ các địa phương và Công đoàn ngành đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc làm bấp bênh ở Việt Nam cũng như quốc tế; các kế hoạch hành động để giảm thiểu việc làm bấp bênh đối với người lao động ở ngành, địa phương./.
Minh Châu