Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Cơ hội nào cho Việt Nam? 

(Chinhphu.vn) -Nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.

 

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo “Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới” tổ chức gày 8/9 tại TPHCM.

Hội thảo do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Báo cáo từ các chuyên gia kinh tế của WB cho thấy Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Đó là nền sản xuất manh mún trong bối cảnh các chuỗi giá trị toàn cầu đang ngày trở nên phức tạp, tiếp tục đem lại cả cơ hội và thách thức. Những chính sách trong nước mà Việt Nam sẽ ban hành có tính quyết định đến định hướng của quốc gia trong việc đẩy mạnh chuyên môn hóa các chức năng gia công lắp ráp đem lại giá trị gia tăng thấp như hiện nay hay nhằm tìm cách tận dụng làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hóa và tham gia vào những chức năng đem lại giá trị cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng báo cáo của WB đã rà soát, đánh giá toàn bộ hiện trạng của DN Việt Nam hiện nay. Theo đó, nếu chúng ta không thay đổi cơ chế chính sách, tạo ra đòn bẩy để phát triển DN thì Việt Nam vẫn chỉ đạt được chuỗi giá trị toàn cầu ở công đoạn lắp ráp, giai đoạn cuối có hàm lượng gia tăng thấp.

Theo bà Asya Akhlaque, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc WB, với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị cũng như việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có cơ hội đặc thù nhằm khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp 1 (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối họ với các khâu lắp ráp cuối cùng với ý tưởng định vị các DN đó để chuyển sang sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa giỏ hàng hóa xuất khẩu. Hơn nữa các DN trong nước có tiềm năng có thể chiếm lĩnh được vị thế DN đầu chuỗi về lâu dài.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của mình. Việc phát triển này theo lộ trình gồm 3 trụ cột chính cộng với trụ cột bổ trợ thứ tư.

Trụ cột thứ nhất là tăng cường và hợp lý hóa các cơ chế thể chế và điều hành chính sách công nghiệp và triển khai chương trình liên kết bằng cách thiết lập Ủy ban liên ngành về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trụ cột thứ hai là hỗ trợ trao đổi thông tin và phối hợp giữa các DN trong nước và nước ngoài, thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến chất lượng cao về các nhà cung cấp trong nước (tập trung vào các ngành ưu tiên) và triển khai các dịch vụ kết nối có hiệu quả giữa DN với DN (B2B).

Trụ cột thứ 3 là Việt Nam cần thiết kế và triển khai chương trình phát triển nhà cung cấp theo nhu cầu nhằm nâng cao năng lực DN trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn. Trụ cột này có thể bao gồm một gói các sáng kiến hỗ trợ để phát triển nhà cung ứng theo nhu cầu thị trường bao gồm tư vấn chuyên sâu, đào tạo kỹ năng, kỹ thuật và quản lý, nâng cấp máy móc, đáp ứng các tiêu chuẩn và chứng nhận về môi trường và lao động.

Cùng với 3 trụ cột chính nêu trên, theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, trụ cột bổ trợ thứ 4 mà Việt Nam cần hướng tới đó là xử lý những hạn chế về môi trường kinh doanh như kỹ năng, năng lực quản lý, đổi mới sáng tạo...

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm Việt Nam cần nâng cao tay nghề người lao động; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; tái cấu trúc thị trường để tạo ra cạnh tranh, giúp ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, việc kết nối với thị trường là phần rất quan trọng trong chuỗi giá trị, do đó, phải có hệ thống logistics và công nghệ thông tin tốt để kết nối với người mua.

Lê Anh

454 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 448
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 448
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84577061