Thách thức “càng lên cao, càng leo chậm” và các mô hình kinh tế mới 

(Chinhphu.vn) - Cần có cơ chế khuyến khích những mô hình kinh tế mới trên nền tảng của cuộc cách mạng số nhằm nâng cao năng suất lao động sẽ tạo cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh, qua đó đạt được những mục tiêu phát triển của mình.

 

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng truyền thống như đất đai, tài nguyên khoáng sản... đang dần tiến tới ngưỡng giới hạn; mặt khác, khi nền kinh tế càng phát triển, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đi trước khác là phải đối mặt với một thách thức của nguyên tắc leo núi là “càng lên cao càng leo chậm”… do vậy, cần phải đặc biệt ưu tiên tăng năng suất lao động dựa trên nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Theo hướng đó, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cần có cơ chế khuyến khích những mô hình kinh tế mới trên nền tảng của cuộc cách mạng số nhằm nâng cao năng suất lao động sẽ tạo cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh, qua đó đạt được những mục tiêu phát triển của mình.

Theo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, thế giới hiện nay đang bước vào kỷ nguyên số. Nhờ cuộc cách mạng số - nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - nên có sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới thực và không gian số. Hiện có khoảng 20 tỷ vật thể và 4,5 tỷ người đã được kết nối qua internet. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể và và hơn 6 tỷ người sẽ được kết nối. Internet kết nối vạn vật giúp dữ liệu lớn bùng nổ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho các mô hình kinh tế mới ngày càng nở rộ.

Thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế mới dựa vào internet và công nghệ số (kinh tế chia sẻ; thương mại điện tử; thanh toán điện tử,…) đang phát triển trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và tác động mạnh mẽ đến thế giới đương đại nhờ tạo ra những phương thức sản xuất, kinh doanh mới ưu việt hơn các phương thức truyền thống. Sự lan tỏa của các mô hình này đang phá vỡ cơ cấu cũng như phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống trong nhiều ngành của nền kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả cũng như gia tăng chất lượng, giảm đáng kể giá cả để qua đó nâng cao phúc lợi của người dân.

Đến nay chưa có một nghiên cứu thực chứng về tác động của các mô hình kinh doanh mới này đến năng suất lao động trong toàn nền kinh tế song các nghiên cứu đơn lẻ đã đưa ra một số bằng chứng về sự tác động tích cực của chúng đối với năng suất lao động trong một số lĩnh vực hay doanh nghiệp có sự áp dụng các mô hình kinh doanh mới này. Bởi vậy các mô hình kinh doanh mới cần được khuyến khích phát triển, cụ thể: 

Thứ nhất, thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp thuần Việt cung cấp các dịch vụ này, giảm thiểu việc nguồn tài nguyên số hết sức quý báu hiện nay chủ yếu do các tập đoàn lớn của nước ngoài nắm giữ.

Thứ hai, thúc đẩy thương mại điện tử để giúp tăng cường sự kết nối giữa các nhà sản xuất với người mua, dỡ bỏ rào cản địa lý ở rất nhiều lĩnh vực, tạo thêm cơ hội tham gia vào quá trình tăng trưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động. Thúc đẩy tài chính kỹ thuật số nhằm cắt giảm chi phí giao dịch và phát triển tài chính bao trùm. Tương tự như trên, cần có chiến lược để các doanh nghiệp thuần Việt gia tăng thị phần trong lĩnh vực này. 

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình số hóa trong kết nối trong nội bộ Nhà nước, giữa Nhà nước với doanh nghiệp và với người dân để hướng tới Chính phủ số hiệu quả.

Thứ tư, khuyến khích các thử nghiệm thể chế để mở đường cho các ngành kinh tế mới, các mô hình kinh doanh mới sáng tạo.

Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, những mô hình, phương thức kinh doanh mới gắn với cuộc cách mạng số và các công nghệ đột phá khác của cách mạng công nghiệp 4.0… vẫn còn thiếu các thể chế phù hợp. Đối với một số lĩnh vực, phương thức mới này cần áp dụng các mô hình thử nghiệm thể chế, chính sách (sandbox) với thời gian, không gian cụ thể. Đây chính là những phòng thí nghiệm thể chế đóng vai trò hết sức quan trọng trước khi đưa các thể chế, chính sách mới áp dụng trên diện rộng, qua đó giúp tăng năng suất lao động trong toàn bộ nền kinh tế.

 * Các mô hình kinh tế mới dựa trên hạ tầng internet và công nghệ số điển hình có thể được tóm lược như sau:

Kinh tế chia sẻ (sharing economy hay còn gọi là on-demand economy): Phương thức mới này được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nhờ giúp cân bằng cung cầu theo thời gian thực. Ví như: Trong lĩnh vực vận tải, nhất là tại các đô thị lớn, phương thức này giúp kết nối những người có xe nhàn rỗi với những người có nhu cầu đi lại tại từng thời điểm; trong lĩnh vực lưu trú, phương thức này giúp kết nối những người có phòng ở nhàn rỗi với những người có nhu cầu ngắn hạn; trong một số lĩnh vực dịch vụ khác như giáo dục hay những công việc làm theo giờ cho các gia đình, mô hình này giúp kết nối những người có thời gian rỗi rãi có thể cung cấp được các dịch vụ này với những người có nhu cầu theo cách tối ưu nhất tại từng thời điểm.

Các nền tảng số giúp cho việc kết nối cung cầu (matching platforms): Trên thị trường lao động, các nền tảng này giúp kết nối hiệu quả giữa nhà tuyển dụng với những người có nhu cầu tìm việc. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các nền tảng kỹ thuật số do các công ty Fintech phát triển giúp các nhà đầu tư tài chính kết nối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu về vốn mà không cần qua các trung gian ngân hàng truyền thống.

Nền tảng sản xuất chế tạo (manufacturing platforms): Các nền tảng này đang làm thay đổi toàn bộ quá trình phát triển và sản xuất sản phẩm. Ví dụ như hệ thống Xometry và 3D Hubs tích hợp với trí tuệ nhân tạo giúp kết nối người mua với người bán theo cách hiệu quả hơn bao giờ hết. Một công ty muốn mua một thành phần hay linh kiện chỉ cần đưa ra yêu cầu trên hệ thống giao diện trên web và sẽ nhận được báo giá từ các công ty có khả năng cung cấp, cùng với thời gian giao hàng dự kiến. Ngành sản xuất và chế tạo chưa bao giờ tiến gần tới thị trường bán lẻ như vậy. 

Các nền tảng kỹ thuật số phục vụ thương mại điện tử: Giúp kết nối người bán hàng với người mua hàng.

Các nền tảng kỹ thuật số phục vụ thanh toán: hỗ trợ cho thương mại nói chung và đặc biệt là thương mại điện tử nói riêng, cũng như giúp đẩy nhanh việc chuyển tiền.

Điện toán đám mây: Điện toán thực hiện trên internet giúp kết nối khi các tập đoàn công nghệ cung cấp các dịch vụ về phần mềm cũng như lưu trữ số liệu từ các máy chủ của mình cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chuỗi khối: Thực hiện việc ghi nhận các giao dịch một cách an toàn nhất với mức độ phi tập trung cao nhờ việc mã hóa các giao dịch, dùng cho việc ghi nhận các giao dịch này theo cách không thể đảo ngược được. Công nghệ này được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như tài chính, nông nghiệp, đặc biệt là trong các chuỗi sản phẩm, vận tải, logistics, địa chính…

544 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 696
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 697
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88330057