Thách thức lớn với cao su Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Sản xuất và chế biến sản phẩm cao su là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích cao su tiểu điền vẫn chiếm phần lớn và đây sẽ là một thách thức để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường về sản phẩm cao su bền vững.

 

Muốn có lợi thế khi hội nhập thị trường cao su, Việt Nam cần nâng cao tính pháp lý và hạn chế xuất khẩu thô. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến năm 2017, diện tích cao su của cả nước đạt 969.700 ha, với gần 67% diện tích đang trong giai đoạn cho thu hoạch mủ. Hiện, có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu sản xuất, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 51% trong tổng diện tích.

Ngày 27/9, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Tổ chức Forest Trends đã phối hợp tổ chức Hội thảo thông tin về Báo cáo “Chuỗi cung gỗ cao su, thực trạng và thách thức”, tại Hà Nội.

Sức ép về pháp lý

Sản lượng cao su Việt Nam đã tăng nhanh theo đà tăng diện tích. Hiện, Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu về năng suất ở châu Á, là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 8,1% tổng sản lượng cao su thế giới, đứng sau Thái Lan và Indonesia. 

Trong những năm gần đây, các yêu cầu của thị trường về sản phẩm cao su bền vững ngày càng tăng, đặc biệt ở các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật… 

Các yêu cầu này không chỉ đơn thuần là về chất lượng sản phẩm đảm bảo, mà còn bao gồm sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về luật pháp, về lao động, môi trường, xã hội. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất ngày càng phải thực hiện các trách nhiệm về luật pháp, xã hội và môi trường chặt chẽ hơn.

Tại các thị trường các nước phát triển, các tiêu chí về xã hội và môi trường ngày cũng càng được mở rộng hơn. Doanh nghiệp áp dụng các tiêu chí này được đánh giá, giám sát định kỳ và nếu đáp ứng được các tiêu chí thì sẽ được cấp giấy chứng nhận về sản phẩm bền vững. Bền vững được hiểu là bền vững về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội. 

Nói cách khác, phát triển và tiêu thụ sản phẩm phải không làm ảnh hưởng đến môi trường và không tác động tiêu cực đến các cộng đồng. Sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chí này sẽ không có lợi thế cạnh tranh, và khi người tiêu dùng có trách nhiệm và nhận thức rõ về các khía cạnh không bền vững của sản phẩm, sản phẩm này có thể sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường.

Tại hội thảo các đơn vị đưa ra báo cáo cũng khuyến nghị việc phủ rộng Sáng kiến về cao su thiên nhiên bền vững (SNRi) được Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) đưa ra. Sáng kiến này nhằm đảm bảo các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chí bền vững. 

Đến đầu năm 2018 đã có 45 doanh nghiệp tham gia sáng kiến này, trong đó bao gồm một số doanh nghiệp lớn hiện đang nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam như Bridgestone, Michellin và Goodyear. Các doanh nghiệp này đã công bố chính sách thu mua nguồn nguyên liệu đầu vào với các yêu cầu cần đáp ứng toàn bộ các tiêu chí mà Sáng kiến cao su bền vững đưa ra.

Trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia vào sáng kiến này. Các doanh nghiệp của Việt Nam cung cấp cao su thiên nhiên cho các nhà mua hàng này bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chí về sản phẩm bền vững mà các nhà mua cao su đã công bố. 

Các bước tiếp theo mà ngành cao su cần tiến hành là thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật thường xuyên các thông tin trong chuỗi cung và nhu cầu của thị trường, chia sẻ đến các bên liên quan để có cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp, chính sách phù hợp cho sự phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro. Các DN cần tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của luật pháp quốc gia, bao gồm cả quốc gia nơi các doanh nghiệp hiện đang đầu tư, và các quy định của quốc tế mà Chính phủ đã cam kết. 

Bên cạnh đó, ngành và DN cần có chiến lược cụ thể, nhằm quản lý rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về thị trường và tính pháp lý của sản phẩm, mặt khác, ngành cần có những bước đi chuyển dịch hiệu quả để tái cơ cấu chuỗi cung, từ việc tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm thô, sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, và quan tâm phát triển thị trường nội địa. Thực hiện các bước này sẽ góp phần thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững trong tương lai.

Nâng cao năng lực chuỗi sản xuất cao su

Các hộ tiểu điền có vai trò quan trọng trong khâu sản xuất, nắm giữ trên 67% diện trồng cao su hiện tại của cả nước và gần 62% tổng lượng cung cao su thiên nhiên của cả nước. Giá cao su thiên nhiên sụt giảm vào những năm sau 2012, kéo theo diện tích cao su của cả nước thu hẹp dần. Trong thời gian gần đây, diện tích và sản lượng cao su tiểu điền vẫn tiếp tục tăng dù giá xuất khẩu sụt giảm, từ đó kéo theo sự gia tăng về sản lượng ở quy mô quốc gia.

Đến nay trên 80% cao su thiên nhiên của Việt Nam được tiêu thụ tại các thị trường quốc tế. Điều này cho thấy sự phát triển và lớn mạnh của ngành cao su Việt Nam cho đến nay chủ yếu là do động lực của thị trường xuất khẩu nguyên liệu thô. Giá xuất khẩu quyết định đến sự thu hẹp hoặc mở rộng diện tích cao su, tới quy mô của khối chế biến mủ cao su và tác động đến sinh kế hàng trăm nghìn lao động tham gia nhiều khâu khác nhau của chuỗi cung và các hộ gia đình tham gia khâu sản xuất.

Theo quan điểm của Báo cáo đưa ra, đến nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành cao su vẫn là sản phẩm thô, với lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu chiếm trên 80% trong tổng sản lượng xuất khẩu. 

Tuy nhiên, khi thị trường đã phát triển, cơ chế chính sách của các quốc gia liên quan đến đầu tư cởi mở hơn, lao động giá rẻ không còn tồn tại, hoặc không còn là lợi thế của quốc gia, xuất khẩu sản phẩm thô không những không tạo được giá trị gia tăng, không khuyến khích được các doanh nghiệp cải tiến công nghệ và đầu tư lao động tay nghề cao. Điều này sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh của ngành trên thị trường thế giới.

Nói cách khác, đã đến lúc ngành cao su của Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước đang tham gia khâu sản xuất và chế biến thô hiện nay, cần thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, chú trọng tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm xuất khẩu, nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sử dụng vốn, lao động và công nghệ.

Đỗ Hương

554 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1061
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1061
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87166278