Những năm qua, áp dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung đã tăng năng suất và chất lượng cao. Sản lượng lương thực có hạt ổn định 25 - 26 vạn tấn, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao bình quân đạt trên 80% diện tích gieo trồng lúa; trong đó diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn,áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận, có liên kết đạt 11.000 - 12.000ha. Đồng thời, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và tiết kiệm vật tư nhờ sử dụng tối ưu nguồn lực; nông dân nâng cao năng suất nhờ có dữ liệu chính xác hơn và đưa ra quyết định tốt hơn. Trong bối cảnh dân số tăng nhanh, cơ cấu bữa ăn thay đổi, nguồn lực hạn chế và biến đổi khí hậu, buộc người nông dân phải gia tăng năng suất và sử dụng ít tài nguyên hơn. Trong sản xuất, người nông dân có thể lắp đặt các đầu cảm biến, thu thập dữ liệu cần thiết như độ ẩm của đất hay tình trạng cây trồng. Nông dân có thể dùng máy tính bảng, điện thoại di động để truy cập số liệu này qua internet. Tùy điều kiện, nông dân có thể điều khiển các thiết bị được kết nối một cách thủ công hoặc hoàn toàn tự động để thực hiện các thao tác mong muốn. Như vậy, có thể thấy cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều cơ hội cho người nông dân trước hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, không ít thách thức đối với nông dân trong giai đoạn hiện nay. Do đó, vấn đề đào tạo nâng cao trình độ của người nông dân là một trong những yếu tố quyết định trong việc tiếp cận những tiến bộ khoa học công nghệ mới mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến cho ngành nông nghiệp. Một là, nông nghiệp thông minh không chỉ cần “doanh nghiệp thông minh”, mà rất cần “nông dân thông minh”. Đây chính là khó khăn lớn nhất, vì các nông hộ nước ta còn xa mới đạt đến tiêu chí “thông minh”. Chất lượng lao động của nước ta hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Từ thực tế đó cho thấy, nếu như chúng ta không có những chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nông thôn kịp thời thì khó mà thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Hai là, trong lĩnh vực nông nghiệp, quá trình cơ khí hóa các yếu tố sản xuất thông qua việc áp dụng nhiều máy móc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông như điện thoại, internet, máy tính... trong khi chúng ta đã chứng kiến việc lao động đang dịch chuyển dần từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao hơn, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã liên tục giảm trong những năm vừa qua. Mặt khác, lao động chưa qua đào tạo, nhiều người sẽ rơi vào cảnh thiếu việc làm, thất nghiệp, nhất là những nông dân nghèo, trình độ thấp.
Ba là, ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún là cản trở chính quá trình cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ trên quy mô lớn vào sản xuất của người nông dân. Trong khi đó, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra rất chậm. Bốn là, việc áp dụng được công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, kỹ thuật cao, song phần lớn nông dân thiếu vốn để đầu tư. Cơ chế liên kết 4 nhà giúp người nông dân tiếp cận được với những giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, hiện vẫn còn nhiều bất cập do sự phối hợp chưa chặt chẽ, trách nhiệm giữa các nhà trong liên kết chưa cao. Trong đó, quan trọng nhất là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.
Để giúp người nông dân vượt qua thách thức trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trước hết Đảng và Nhà nước cần tập trung quan tâm đầu tư nguồn lực xứng đáng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đó là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Để phát triển nông nghiệp thông minh, thì trong việc ban hành đề án phát triển nông nghiệp thông minh của cả nước và cho từng vùng sinh thái, cần nêu rõ bối cảnh thế giới và nước ta, thị trường tiềm năng, tiêu chí cần đạt, thuận lợi, khó khăn khi áp dụng, đào tạo nguồn nhân lực, tham quan, khảo sát các nước. Cần xác định, đào tạo, nâng cao trình độ cho người nông dân là yếu tố quyết định cho việc ứng dụng thành công công nghệ hiện đại mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động từ đội ngũ cán bộ quản trị hợp tác xã cho đến các chủ hộ kinh tế và các hội viên nông dân với tư cách là 1 đơn vị kinh tế tự chủ. Có chiến lược thu hút đội ngũ trí thức ở lại nông thôn và xây dựng mẫu hình người nông dân mới làm tiên phong trong các phong trào vượt qua rào cản của nông dân Đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao nhận thức của nông dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với thị trường trong nước và quốc tế, quan tâm đào tạo theo hướng khai thác tri thức và sản phẩm bản địa. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải thay đổi phương thức dạy, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả, giúp sinh viên phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân.
Tăng cường liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hình thức đầu tư liên doanh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Giải pháp hữu hiệu nhất là liên doanh được với một nhóm doanh nghiệp làm nông nghiệp lớn để hình thành mô hình đào tạo mới. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì trong sách có” sang “dạy những gì doanh nghiệp cần, thị trường cần”. Đổi mới chính sách, kích hoạt thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Nới lỏng quy định liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, tập trung ưu tiên chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho những nông dân chuyên nghiệp (có đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp...) và liên kết với các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ tín dụng và hạ tầng cho các hộ nông dân chuyên nghiệp, nông dân có liên kết với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao mua và thuê lại đất nông nghiệp của các hộ không còn tha thiết sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường đầu tư và tích cực chuyển giao công nghệ, đưa khoa học công nghệ thâm nhập sâu vào tất cả các quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, lưu thông. Thực hiện liên kết nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp và đô thị nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn theo hướng đưa công nghiệp, cải thiện hệ thống giao thông để cư dân nông thôn và đô thị có thể di chuyển thuận lợi. Điều này vừa giúp tăng lưu thông hàng hóa cho cư dân nông thôn vừa giúp giảm áp lực người dân nông thôn đổ dồn vào thành thị. Có như vậy, xây dựng nông thôn hiện đại và nông dân văn minh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyễn Quốc Thanh