|
Thả 30 vạn con tôm sú giống để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại khu vực đầm phá Tam Giang. Ảnh: VGP/Thế Phong
|
Sáng 31/8, tại cảng cá Thu
ận An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Bộ NN&PTNT phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức lễ thả giống phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản ở khu vực đầm phá Tam Giang.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên-Huế - một trong 4 tỉnh bị sự cố môi trường biển, nhằm khẳng định biển đã sạch và nguồn lợi thủy sản đã bắt đầu hồi sinh.
Buổi lễ hôm nay mở đầu cho các hoạt động tới đây của ngành thủy sản trong việc tăng cường và khôi phục tái tạo nguồn lợi thủy sản cho 4 tỉnh miền Trung và các địa phương khác.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám kêu gọi các tổ chức, cá nhân, tăng ni Phật tử và người dân chung tay đóng góp trong công tác phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới; hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và các phương tiện đánh bắt bất hợp pháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, ngay khi xảy ra sự cố môi trường biển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và các huyện, thị xã ven biển kiểm tra, xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Đến nay, tình hình môi trường biển và đầm phá ở tỉnh Thừa Thiên-Huế ổn định. Các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch biển đang phát triển tốt. Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.
|
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Từ đầu năm 2017 đến nay, sản xuất thủy sản tại vùng ven biển của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chuyển biến đáng kế so với năm 2016. Sản lượng thủy sản đạt 24.355 tấn, tăng 20,06%. Nuôi trồng thủy sản cũng đã khôi phục. Tình hình tiêu thụ thủy hải sản đã dần ổn định, người dân đã buôn bán bình thường như trước khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục rà soát, thẩm định các đối tượng bị thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường đã được kê khai theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt, chi trả nếu bảo đảm theo đúng các quy định.
Tiếp tục hướng dẫn người dân trong việc sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển; chuyển đổi nghề, phát triển nghề biển và nuôi trồng thủy sản trong vùng đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững theo Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc môi trường nói chung và môi trường biển, đầm phá nói riêng.
Thế Phong