Telehealth – Cuộc cách mạng số của ngành y tế 

(Chinhphu.vn) – Telehealth – hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đang là một trọng tâm hoạt động trong giai đoạn hiện nay của ngành y tế. Với mục tiêu kết nối thông suốt 26 bệnh viện tuyến Trung ương với hơn 1.000 điểm là các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước, đây sẽ được coi là một cuộc cách mạng số của ngành y tế.
Các chuyên gia, Giáo sư đầu ngành hỗ trợ tư vấn khám, điều trị bệnh từ xa cho những bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: VGP/Lê Hảo
Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã luôn chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng khám chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được… Các hoạt động này cần phải có hình thức khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp. 

Mới đây, thông báo số 326/TB-VPCP kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu ngành y tế cần phải tăng cường và mở rộng triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến.

Telehealth có thể “phủ sóng” mọi giới hạn

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

“Mặc dù không thể thay thế tuyệt đối phương pháp khám chữa bệnh truyền thống như hiện nay, nhưng Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu và thiết thực cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỉ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở, giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện Trung ương. Đặc biệt là giảm tỉ lệ tái khám của người bệnh”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, thông qua hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, các Giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội sẽ hỗ trợ nhanh chóng chữa trị các ca bệnh khó tại mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt, bệnh nhi tại các vùng khó khăn, đồng thời rút ngắn thời gian và hành trình di chuyển của bệnh nhân mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị. Bệnh viện sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, trao đổi, hỗ trợ các ca bệnh khó, phức tạp, qua đó từng bước cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cơ sở.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, bất kỳ thời điểm nào, các bệnh viện trong mạng lưới có nhu cầu hỗ trợ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất. Hiện tại, có khá nhiều kỹ thuật mà khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, sẽ giảm rất nhiều chi phí, đặc biệt có tính hỗ trợ ngay lập tức trong những trường hợp cấp cứu.

“Đây là một giải pháp công nghệ và là công cụ hữu ích giúp cho chúng tôi có thể cùng một lúc chỉ đạo cũng như chuyển giao kỹ thuật cho nhiều cơ sở tuyến dưới, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID như hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho hay. 

Là người đứng đầu cơ sở được hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, BS. Hoàng Quang Trung, Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 6 đến nay, qua lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiều bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong, phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau một tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, BS. Hoàng Quang Trung chia sẻ.

BS Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng nhận định, mô hình này rất hiệu quả. Bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và có ngay phương hướng điều trị phù hợp nhất, các bác sĩ ở cơ sở được “cọ xát” với những bệnh mà trước đó họ rất ít gặp hoặc khó phát hiện. Đặc biệt, bệnh nhân cũng được tham gia nghe hội chẩn trực tuyến nên rất yên tâm khi ở lại bệnh viện điều trị.

 

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - đơn vị thí điểm triển khai Đề án từ tháng 6/2020 đã hỗ  trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho nhiều người bệnh trên cả nước. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Quyết tâm hiện thực hóa kỳ vọng lớn!

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện đã có 26 bệnh viện tuyến trên đăng ký tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Theo đó, những bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh. Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.

Từ nay đến năm 2021, Đề án tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế cần phải ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh.

Quyền Bộ trưởng kỳ vọng, tới đây, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, thậm chí là ở tại nhà cũng có thể được các bác sĩ của những bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương hội chẩn trực tuyến, được chẩn đoán bệnh từ xa, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, mà còn đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 đang diễn biến phức tạp.

Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới, thì hiện nay theo Đề án khám chữa bệnh từ xa sẽ theo mô hình 1-N để nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả các bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi.

Với những phương thức trên, Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh sẽ quyết tâm hiện thực hóa “tham vọng” công tác khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế và là hoạt động thường ngày tại bệnh viện.

Thúy Hà

337 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 938
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 938
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218291