Tây Ninh hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 

(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh này là địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hội nhập thị trường quốc tế. Chính vì vậy, các cấp, ngành chức năng, địa phương và người dân ở đây đang tích cực hưởng ứng…

Mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh (Ảnh: Nguyễn Sơn)

 

Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, tỉnh này đã chuẩn bị hơn 2 nghìn ha đất nông nghiệp dành cho phát triển chuỗi giá trị nông sản. Đây là diện tích đất tỉnh Tây Ninh sẽ đứng ra kêu gọi các nhà đầu tư đến và cùng triển khai mô hình. Qua đó giúp người dân tiếp cận được với mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

 

Tỉnh Tây Ninh đã tổ chức các đoàn công tác đi học tập các mô hình về nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng; tổ chức các cuộc tiếp xúc, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ,… Với quyết tâm đưa Tây Ninh trở thành thủ phủ rau sạch của cả nước, hướng tới thị trường xuất khẩu, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành Chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp”, trong đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể như quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao quy mô từ 15 nghìn ha đến năm 2020 và 30 nghìn ha đến năm 2030; rau, củ, quả chuyên canh từ 1 nghìn ha đến 1.500 ha đến năm 2020 và 4 nghìn ha đến năm 2030.

Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh còn xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030. Phấn đấu bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha đến năm 2020 và 264 triệu đồng/ha đến năm 2030. Mục tiêu của Tây Ninh đến năm 2020, có ít nhất 40% sản lượng nông sản, thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic có thể truy xuất được nguồn gốc, đến năm 2030 tỷ lệ này là 60%, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trên thực tế, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương trong những năm qua, và đã thu được kết quả đáng khích lệ. Điển hình như sản xuất nông nghiệp tại huyện Trảng Bàng đã có nhiều chuyển biến nhờ áp dụng khoa học công nghệ. Theo đó, Trảng Bàng phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; đến năm 2030, tỷ lệ này là 50%.

Hiện cơ cấu nông nghiệp của huyện Trảng Bàng đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị và hiệu quả cao, một số vùng chuyên canh cây trồng như: lúa, bắp, rau màu, hoa lan, chuối... được hình thành và phát triển ổn định.Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi được nâng lên đáng kể; năng suất, chất lượng nông sản ngày càng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 15%. Phần lớn cây trồng chính đã thực hiện cơ giới hoá ở các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc và tưới nước, riêng cây lúa đạt tỷ lệ cơ giới hoá 100%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, khép kín, bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường gắn với chế biến. Hiện gia súc, gia cầm chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm 48,8% so với tổng đàn. Công tác quản lý vật nuôi được thực hiện tốt, bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.

Hay như mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Gò Dầu, khi tham gia mô hình này, những hộ nông dân ở đây đã được hướng dẫn thực hiện đúng quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký đầy đủ; sử dụng các giống lúa chất lượng cao và có phẩm cấp từ cấp xác nhận trở lên.

Bên cạnh đó, các hộ nông dân còn được hướng dẫn, tập huấn quy trình kiểm soát hồ sơ, động vật gây hại, sản phẩm không phù hợp và truy xuất; hướng dẫn về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, môi trường; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả…Theo các hộ nông dân ở Tây Ninh, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP có yêu cầu nghiêm ngặt, phải tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật, nên năng suất vụ Đông Xuân vừa qua đạt 9 tấn/ha, đạt yêu cầu đề ra. Qua thực tế sản xuất, cho thấy đây là một mô hình có hiệu quả kinh tế, chi phí sản xuất giảm từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ha so với không tham gia VietGAP.

Qua thực hiện mô hình VietGAP, nông dân huyện Gò Dầu đã biết bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn và hiệu quả, bảo đảm được thời gian cách ly; sử dụng giống và vật tư nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; từ đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, thời gian tới, ngoài nỗ lực cải cách hành chính để thu hút nhà đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tập huấn, hướng dẫn về mọi mặt cho người nông dân tiếp cận và hiểu biết nhiều hơn nữa về nông nghiệp công nghệ cao, để họ không bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm nông nghiệp công nghệ cao./..

 

Nguyễn Sơn
981 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 593
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 593
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84632352