Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 người lao động sẽ được nghỉ 3 ngày, theo dự báo của các đơn vị vận tải, nhu cầu đi lại dịp này sẽ tăng khoảng 150% so với ngày thường. Đặc biệt tại một số chặng ngắn, vừa phải như Hà Nội-Vinh, Hà Nội-Quảng Bình, Hà Nội-Đà Nẵng…
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, nếu như ngày thường, số hành khách đến bến xe Mỹ Đình đạt hơn 15.000 lượt, thì vào dịp 2/9, dự kiến sẽ đạt 20.000-25.000 hành khách, do vậy bến xe đã lên kế hoạch từ khá sớm.
Theo đó, ngoài việc tăng cường các chuyến hiện tại, bến xe đã có kế hoạch điều động thêm 50 lượt xe phục vụ hành khách trong 3 ngày nghỉ lễ. Các tuyến Hà Nội-Phú Thọ, Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Lào Cai… được tăng cường nhiều lượt xe hơn cả, bởi đây là những tuyến đi các địa bàn có nhiều điểm tham quan, du lịch, lượng khách sẽ tăng mạnh.
Về giá vé, ông Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một nhà xe nào thông báo sẽ tăng giá vé. Giá vé xe vào dịp nghỉ lễ vẫn theo mức quy định ngày thường.
Còn tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe thông tin, dự báo, lượng khách qua bến sẽ tăng khoảng 30% so với ngày thường, đạt khoảng 20.000 lượt/ngày. Đặc biệt, tính đến ngày hôm nay (28/8), chưa có doanh nghiệp vận tải xe khách nào thông báo, đề nghị tăng giá vé trong dịp nghỉ lễ.
Mặc dù đến thời điểm này các nhà xe đều không tăng vé, nhưng tình trạng nhồi nhét, chặt chém vẫn là nỗi lo thường trực. Ông Nguyễn Tất Thành cho biết, bến xe đã tổ chức ký cam kết với các nhà xe. Theo đó, nếu nhà xe nào vi phạm, tùy vào từng lỗi vi phạm, bến xe sẽ xử lý. Nhẹ thì đình tài 5-7 ngày, nặng thì chấm dứt hợp đồng ra, vào bến đón-trả khách.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nhìn nhận, tình trạng nhồi nhét, chặt chém cũng một phần do ý thức của người dân, rất nhiều người vẫn có thói quen đứng đường để bắt xe, nên rất dễ bị nhà xe nhồi nhét, tăng vé “mồm”. Vì thế, ông Thành cũng cảnh báo người dân, để tránh tình hình trên, hành khách nên vào bến mua vé, khi lên xe quan sát kỹ như: Biển kiểm soát, số điện thoại, tên nhà xe… Khi phát hiện nhà xe vi phạm hãy phản ánh ngay đến đường dây nóng của lực lượng Công an, bến xe.
Đối với đường sắt, bà Phạm Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội thông tin, riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội tăng thêm 14 đoàn tàu, cộng với các đôi tàu hằng ngày, doanh nghiệp này tổ chức chạy hơn 120 đoàn tàu khách với gần 90.000 chỗ trên các tuyến.
Trong đó, các tuyến trọng điểm như: Hà Nội-Thanh Hóa-Vinh chạy 16 đoàn tàu với 12.000 chỗ; Hà Nội-Đồng Hới chạy 2 đoàn tàu với 1.000 chỗ; Hà Nội-Hải Phòng chạy 31 đoàn tàu với 38.750 chỗ; Hà Nội-Lào Cai chạy 32 đoàn tàu với 12.000 chỗ.
”Lượng khách không tăng nhiều, chủ yếu là khách đi tuyến ngắn về thăm quê, người thân nên sát ngày đi tàu mới mua vé nên vé trên các tuyến còn nhiều. Riêng tuyến Hà Nội-Lào Cai, khách đi du lịch Sa Pa dịp cuối tuần đông nên các tàu đã gần kín chỗ”, bà Đào cho biết.
Cùng với sự tăng trưởng “nóng” của hàng không, các hãng hàng không nội địa cũng tăng tải khá mạnh trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh.
Cụ thể, từ ngày 1-4/9, Vietnam Airlines tăng thêm 40 chuyến bay một chiều trên 7 đường bay để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Số chuyến bay tăng tương ứng gần 8.000 ghế, nâng tổng ghế cung ứng trên toàn mạng nội địa lên hơn 183.000 ghế, tăng hơn 6,3% so với cùng kỳ. Các đường bay được tăng chuyến bao gồm các đường bay giữa Hà Nội và TPHCM/Đà Nẵng/Đà Lạt/Nha Trang/Phú Quốc; giữa TPHCM và Nha Trang/Phú Quốc…
Với việc tăng tải, các hãng hàng không nội địa đều khẳng định, hành khách không lo thiếu vé, hiện các đường bay đều còn nhiều ghế trống. Tuy nhiên, để mua được vé giá rẻ thì hành khách phải mua vé sớm, bởi mức vé giá thấp thường được bán hết sớm, mua vé muộn thường phải mua với giá cao.
Hiện, đối với chặng Hà Nội-Đà Nẵng, giá vé trong dịp này dao động từ 1.490.000-2.250.000 đồng/lượt (chưa bao gồm thuế, phí sân bay); giá vé Hà Nội-TPHCM từ 900.000-3.400.000 đồng/lượt…
Phan Trang