|
Ảnh internet |
Đó là một trong những nội dung đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2021 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 17/3 tại TPHCM.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 59 nhà xuất bản, trong đó có 16 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 43 đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng số xuất bản phẩm trong năm 2020 là 36.218 xuất bản phẩm (giảm 2,4%) với 403.500.000 bản. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các nhà xuất bản đã đẩy mạnh xuất bản các mảng sách quan trọng như sách có nội dung đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, thù địch; sách tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển đảo; sách thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; sách kỹ năng, dạy nghề, lập nghiệp, khởi nghiệp.
Đặc biệt, một số nhà xuất bản đã chủ động, tổ chức xuất bản sách cung cấp hệ thống kiến thức về phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng; nêu cao tinh thần đoàn kết, kết nối yêu thương, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong những ngày chống dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, ngành xuất bản sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in và phát hành được chú trọng.
Về nội dung, năm 2021, các nhà xuất bản sẽ tập trung xuất bản xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Các nhà xuất bản tăng cường khai thác, xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các vấn đề trọng yếu; xuất bản phẩm phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng của Việt Nam.
BT