Đó là ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Hội nghị tham vấn “Khuyến nghị lồng ghép nội dung khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai trong việc điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT).
Báo cáo kết quả khảo sát của JICA cho thấy, tại Việt Nam, bão (gồm bão và áp thấp nhiệt đới) và lũ lụt chiếm tỷ lệ cao về mức độ gây thiệt hại trong số các thiên tai gây ra. Khoảng 80% số người chết và 90% tổn thất kinh tế trong 10 năm qua là do bão và lũ lụt. Lũ quét và sạt lở đất cũng là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao gây ra số người chết, chỉ đứng sau bão và lũ lụt. Đồng thời, hạn hán và xâm nhập mặn cũng được xem là loại thiên tai điển hình gây ra tổn thất về kinh tế. Vì vậy, bão và lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn là các loại hình thiên tai điển hình ở Việt Nam. Những giải pháp ứng phó với thiên tai cần được thực hiện một cách thường xuyên dựa theo trật tự ưu tiên này.
Với khung Sendai đặt ra 7 mục tiêu toàn cầu mà các quốc gia cần đạt được, trong đó 3 “mục tiêu đầu vào” liên quan đến tiếp cận thông tin, hợp tác quốc tế, chiến lược quốc gia và địa phương đến năm 2020 và 4 “mục tiêu đầu ra” đề cập đến việc giảm thiểu tổn thất về kinh tế, giảm số người chết, người bị ảnh hưởng và giảm thiệt hại cơ sở hạ tầng quan trọng.
Trên cơ sở này, theo JICA, Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực giảm thiểu tổn thất kinh tế do các loại hình thiên tai điển hình gây ra, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán bằng cách tập trung và phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trong đó có các biện pháp công trình. Đồng thời, việc triển khai các biện pháp phi công trình cũng cần được ưu tiên cho các đối tượng chịu nhiều rủi ro như ngư dân trên biển, ven biển và miền núi.
Đặc biệt, công tác xây dựng cơ cấu thể chế và pháp lý cần được tăng cường. Ngoài ra, hoạt động phối hợp ở cấp trung ương và địa phương cần được nâng cao. Trong một vài năm tới đây, cần thiết tập trung nâng cao năng lực của một số cơ quan đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Về lâu dài, việc này sẽ góp phần thực hiện tất cả các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai một cách hiệu quả.
Theo ông Takeya Kimio - Cố vấn cao cấp cho Trưởng đại diện JICA, cơ sở phòng chống lũ lụt hiệu quả nhằm giảm thiểu, tránh rủi ro thiên tai cần quan tâm đến các giải pháp như: Trồng rừng, sử dụng đất hợp lý, sống chống lũ, dự báo lũ, cảnh báo sớm,.. Cùng với đó, vai trò của cơ quan giảm nhẹ rủi ro thiên tai thuộc Chính phủ cần xác định rủi ro thiên tai của cả nước; xác định rủi ro ưu tiên để giảm nhẹ và ngăn ngừa phát sinh rủi ro mới trong tương lai do phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, để giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt về thể chế chính sách pháp luật để nâng cao hiệu quả trong phòng chống thiên tai. Trong đó, có các hành động lồng ghép rủi ro thiên tai trong hoạt động của các ngành, các cấp; các giải pháp quản lý thiên tai gắn với các giải pháp tổng hợp, đồng thời ưu tiên quản trị rủi ro thiên tai. Cùng với đó, cần quan tâm cho công tác đầu tư cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn đề giữa phát triển bền vững và rủi ro thiên tai. Vì vậy, cần cân nhắc giữa các mục tiêu phát triển với giảm nhẹ rủi ro thiên tai./.
BT