|
Quang cảnh hội nghị. |
Sáng 2/1/2020, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố toàn quốc.
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đại biểu đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành GTVT trong năm 2019 tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: Bằng sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành GTVT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019. Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, trong năm 2019, Bộ đã hoàn thành 100% chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, cụ thể: trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 7 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và 4 đề án; ban hành theo thẩm quyền 51 thông tư và phê duyệt 1 đề án. Đối với công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu tốt hơn đi lại của Nhân dân, nhất là trong các dịp cao điểm Lễ, Tết. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của đơn vị kinh doanh vận tải theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Sản lượng vận tải năm 2019 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, ước đạt trên 1600 triệu tấn hàng, tăng 9,7%; đạt trên 5100 triệu lượt hành khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ đã xây dựng Đề án đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực GTVT, đồng thời ban hành nhiều công điện, chỉ thị tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ liên quan đến hoạt động quản lý, thực hiện dự án, phòng ngừa, ngăn chăn tiêu cực; tăng cường kiểm soát công tác lựa chọn nhà thầu và quản lý thực hiện hợp đồng xây lắp; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ công tác lựa chọn nhà thầu tại các Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Đã cơ bản hoàn thành bàn giao cho các địa phương cọc mốc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) của 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và đã tổ chức thi công 2 dự án thành phần (đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), triển khai sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai thúc đẩy tiến độ GPMB dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế (CHKQT) Long Thành giai đoạn 1. Tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho dự án mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất. Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án thu phí tự động không dừng.
Báo cáo về công tác an toàn giao thông (ATGT), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, năm 2019 (từ ngày 15/12/2018 - 14/12/2019): toàn quốc xảy ra trên 17600 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương trên 13600 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm trên 5% số vụ, số người chết giảm 7,15%, số người bị thương giảm trên 6,4% số người.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh, năm 2020 sẽ phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải; trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác về tổ chức, điều hành giao thông, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý đào tạo, cấp giấy phép chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định mặc dù tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực và toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Cụ thể là năm thứ 3 liên tục hoàn thành các chỉ tiêu, phát triển theo hướng công nghiệp hoá; tăng trưởng đạt 7,2%; quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được mở rộng.
“Trong kết quả chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành GTVT nói chung, Bộ GTVT nói riêng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, trong năm 2019, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án được quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều kết quả tích cực, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng GTVT quan trọng. Các dự án giao thông lớn được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ. Đã kịp thời hoàn thành 16 dự án để đưa vào khai thác; hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 15 dự án…
Về công tác quản lý vận tải, Phó Thủ tướng đánh giá, ngành GTVT đã tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đặc biệt, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, người bị thương giảm so với năm 2018 từ 5-10%.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế ngành GTVT được triển khai tích cực, hiệu quả; nhiều điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết; công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được triển khai quyết liệt. Năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp Bộ GTVT đứng đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong số 20 bộ/ngành.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành GTVT vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Trong đó, còn công trình chưa đạt chất lượng như mong muốn, còn thiếu sự kết nối đồng bộ các phương thức vận tải; tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm, như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường bộ cao tốc.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016-2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước (Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng; 75 năm ngày thành lập Nước; 45 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh); năm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thống nhất với phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2020, cũng như các giải pháp thực hiện đã nêu trong Báo cáo tổng kết và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo, công chức, viên chức ngành GTVT.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu: Bộ GTVT phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 01, 02 năm 2020 của Chính phủ; tập trung tham mưu cho Chính phủ trong công tác xây dựng thể chế, chính sách liên quan đến Ngành GTVT; bám sát chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung xây dựng, trình các văn bản QPPL, đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.
Bộ GTVT phải tập trung vào tái cấu trúc cơ cấu vận tải cho hợp lý; lập các quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 (quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thuỷ nội địa…).
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành, như: đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông và các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách; khởi công Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để sớm khởi công Dự án đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành… Phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình.
Để thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát nhiệm vụ, sắp xếp lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành GTVT để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc khó khăn trong phạm vi chức năng của Chính phủ; đồng thời sẽ có các đề xuất, kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất để ngành GTVT thực hiện thắng lợi các mục tiêu và các nhiệm vụ của ngành”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định./.