Ngày 3/9, tại Hà Nội, Tổng cục thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức hội thảo “Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Những vướng mắc từ thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS khẳng định sau 4 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn; trình tự, thủ tục thi hành án được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập tại các điều luật hướng dẫn thi hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: TH.
Giới thiệu tổng quan về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đại diện Tổng cục THADS cho biết: Dự thảo Nghị định bãi bỏ 1 điểm; sửa đổi, bổ sung 33 khoản, điểm của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong đó gồm các nội dung chính về: thời hiệu yêu cầu thi hành án (THA); thỏa thuận THA; ra quyết định THA chủ động, theo yêu cầu, xác minh điều kiện THA; thông báo THA; áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế THA; ủy thác THA; việc THA khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm THA; kê biên tài sản; bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản THA; thủ tục thanh toán tiền và trả tài sản THA;...
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp để hoàn thiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.
Đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp người phải THA cố tình thực hiện các giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh việc THA. Cụ thể, trong nhiều trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, cưỡng chế THA mà bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, cho thuê thì vẫn bị kê biên, xử lý nhưng cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất lại không nhận được văn bản áp dụng các biện pháp nêu trên, do đó vẫn làm các thủ tục đăng ký như bình thường. Vì vậy, cần làm rõ các quy định về chuyển giao tài sản THA đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Đồng tình với quy định “trường hợp tài sản không đủ để THA thì ủy thác đến nơi có giá trị tài sản lớn nhất”, song Cục trưởng Cục THADS Hải Dương Nguyễn Văn Tuấn đề nghị cần làm rõ tiêu chí để xác định giá trị tài sản như thế nào là lớn nhất?./.
Thu Hằng