Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: BT)

Chiều 14/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi họp báo thường kỳ quý III nhằm thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng năm 2019.

Những điểm sáng nổi bật

Ông Lê Văn Thành – Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng qua, ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp, đồng thời thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, toàn ngành duy trì tăng trưởng khá, đạt 2,02%, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Trong đó, thủy sản tăng cao với 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%.

Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15% nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng xuất khẩu lâm sản chính đóng góp nhiều cho giá trị kim ngạch với 7,93 tỷ USD, tăng 18%. Đặc biệt, có 6 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, đến nay cả nước đã có 4.554 xã (51,16%) đạt chuẩn nông thôn mới, (vượt mục tiêu cả năm 2019 là 50%). Đồng thời, có 100/664 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt 30 đơn vị cấp huyện so với mục tiêu cả năm 2019. Đã có 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Tập trung tháo gỡ khó khăn về thị trường

Tại buổi họp báo, Bộ NN&PTNT cho biết, trước những diễn biến khó khăn của thị trường dẫn đến giá trị nhiều mặt hàng nông sản giảm, toàn ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động tháo gỡ các rào cản thương mại. Đáng chú ý là việc tháo gỡ khó khăn với thị trường Trung Quốc, mở các thị trường mới đối với một số sản phẩm xuất khẩu như xoài vào Mỹ, Anh, Úc.

Trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung tới ngành nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chia sẻ thông tin, hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Định kỳ 3 tháng/lần tổ chức họp trao đổi, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới để kịp thời nắm bắt những khó khăn nhằm xử lý hoặc phản ánh đến các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đề nghị sớm công nhận tương đương đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này. Với thị trường EU, tập trung làm việc với các cơ quan chức năng của EU tháo gỡ thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu, đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, thị trường thế giới có nhiều biến động, nhu cầu của các nước giảm đi trong khi các quốc gia chủ động sản phẩm một phần, đồng thời các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quyết liệt trong việc đàm phán với các thị trường để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là điều cần thiết trong đó, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản, tổ chức thanh tra đột xuất,…/.

BT