Tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã triển khai hơn 3.800 cuộc thanh tra hành chính và hơn 136.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm hơn 29.500 tỷ đồng, gần 5.000 ha đất. Qua thanh tra kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 19.500 tỷ đồng và gần 4.700 ha đất. Thanh tra các cấp đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 724 tập thể, 22 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 49 vụ, 113 đối tượng…
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra tiến hành đồng bộ, quyết liệt. Theo đó, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 11.606/16.114 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 72%.
Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện thường xuyên và đã phát hiện 47 vụ với 66 đối tượng có hành vi tham nhũng, liên quan đến tham nhũng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra còn những hạn chế. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; một số cuộc thanh tra còn kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, chưa giải quyết dứt điểm hoặc chưa thấu tình đạt lý. Khi vụ việc diễn biến phức tạp thì lúng túng, nóng vội nên hiệu quả chưa cao, có nơi còn có dấu hiệu trở thành điểm nóng…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TH)
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương kết quả của toàn ngành thanh tra trong 6 tháng đầu năm 2017. Chia sẻ với những khó khăn của ngành thanh tra, song Phó Thủ tướng lưu ý, vẫn còn tình trạng kết luận thanh tra còn chậm; chất lượng một số vụ việc thanh còn hạn chế, thậm chí có những vụ việc thiếu khách quan, chưa chính xác, khiến người dân bức xúc; xử lý sau thanh tra còn hạn chế; số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, xử lý chưa kịp thời…
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới ngành Thanh tra cần tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch thanh tra gắn với thanh tra đột xuất, chú ý những lĩnh vực có nhiều tiêu cực, tham nhũng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, có trách nhiệm những vụ việc thanh tra, kiến nghị sửa đổi những sơ hở, bất cập để hoàn thiện thể chế, qua đó giúp hoạt động thanh tra ngày càng hoàn thiện.
Đồng thời, ngành Thanh tra cần thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến'', "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, góp phần xây dựng ngành Thanh tra liêm chính, minh bạch. Cần chấn chỉnh đạo đức, tác phong công vụ đối với một số cán bộ, công chức trong ngành Thanh tra; chú ý đến những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Trong giải quyết công việc phải đặt mục tiêu thấu tình đạt lý lên đầu, tránh để người dân không đồng tình, bức xúc, làm nảy sinh điểm nóng…/.
Thu Hằng