Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018, 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp và các địa phương đã chú trọng ban hành và triển khai các kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm.

 

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung thanh tra trong lĩnh vực công chứng, bán đấu giá.
 (Ảnh minh họa. Nguồn: TH).


Cụ thể, Bộ Tư pháp đã triển khai 39 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo (trong đó có 11 cuộc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, 05 cuộc trong lĩnh vực hộ tịch), qua đó đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 315 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 269 triệu đồng. Nhiều Sở Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: Hà Nội đã tạm đình chỉ hoạt động đối với 01 Văn phòng công chứng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 Văn phòng công chứng và 05 công chứng viên; thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với 06 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, ban hành 07 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực luật sư, bán đấu giá tài sản; Vĩnh Phúc tổ chức thanh tra 07 Văn phòng công chứng; Đồng Nai thanh tra 07 tổ chức hành nghề luật sư, kiểm tra 03 Văn phòng công chứng, 05 Văn phòng Thừa phát lại...).

Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Bộ và các Sở Tư pháp thực hiện đúng quy định của pháp luật và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiếp công dân, tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Riêng tại Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã tiếp 114 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 275 đơn khiếu nại, 29 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết (giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 2017). Nội dung đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc kê biên tài sản thi hành án sai đối tượng, thời hiệu thi hành án; đình chỉ, tạm đình chỉ thi hành án; quyết định cưỡng chế thi hành án; việc bảo quản tài sản kê biên; khiếu nại, tố cáo về công chứng viên vi phạm pháp luật, luật sư vi phạm đạo đức hành nghề...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm tra, thanh tra chưa được một số Sở Tư pháp chú trọng, không kịp thời phát hiện sai sót để chấn chỉnh, xử lý, nhất là trong các lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, chứng thực.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; lề lối, kỷ cương, kỷ luật công việc; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra; thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; xử lý vi phạm.../.

 

Thu Hằng