Tập trung phát triển các tập đoàn lớn, đóng vai trò trụ cột trong chuỗi giá trị 

(ĐCSVN)- Trong phiên thảo luận sáng 5/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm về lũ lụt ở miền Trung, phát triển thủy điện nhỏ làm ảnh hưởng đến môi trường; cần ban hành chính sách đặc thù, đủ mạnh, hình thành không gian kinh tế vùng; Tập trung phát triển các tập đoàn lớn, đóng vai trò trụ cột trong chuỗi giá trị.

Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than (Ninh Thuận), Bản Mồng (Nghệ An).

Quốc hội thảo luận tại hội trường về KT-XH và ngân sách Nhà nước 

Ban hành chính sách đặc thù, đủ mạnh, hình thành không gian kinh tế vùng

Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù và đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có thế mạnh như lâm nghiệp, nông nghiệp với những sản phẩm đặc trưng và liên kết theo chuỗi chế biến sâu, tạo thành những vùng hàng hóa tập trung khu vực sản xuất giống, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, nhất là liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo không bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính từng tỉnh, hình thành không gian kinh tế vùng.

Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng nêu thực tế, trong thời gian qua đất nước chúng ta phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, nhất là vừa qua bão, lũ liên tiếp thiệt hại nặng nề ở khu vực miền Trung, miền núi. Trong hoàn cảnh đó toàn Đảng, toàn dân toàn quân đã chung sức đồng lòng và nhất là cách điều hành hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp đã đảm bảo ổn định về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Hình ảnh người người, nhà nhà trong bản làng cùng nhau gói, nấu bánh chưng; những hội viên phụ nữ cùng nhau nấu cơm gửi đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị thiên tai và từng đoàn xe chở nhu yếu phẩm từ Bắc đến Nam đều hướng về miền Trung thân yêu, đã cho thấy truyền thống đoàn kết, tình nghĩa đồng bào của người dân đất Việt.

Trước thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị nâng cấp các quy chuẩn kỹ thuật, văn bản pháp luật, quy hoạch phù hợp liên quan đến phòng chống thiên tai; hỗ trợ cải tạo nhà ở của người dân vùng thoát lũ, xả lũ; sắp xếp bố trí dân cư các điểm có nguy cơ cao, bổ sung nguồn lực trồng rừng và bảo vệ rừng…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng phát triển sản xuất ở miền núi đã đạt ngưỡng, muốn chuyển đổi về chất chúng ta cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) với những điểm sáng ở Sơn La, Bắc Giang, Bắc Kạn tuy nhiên chưa tạo được quy trình khép kín từ nghiên cứu đến triển khai, kết nối thị trường tạo nên chuỗi sản xuất, chuỗi quản lý. Đại biểu đề nghị sửa đổi luật KHCN, có chính sách KHCN phù hợp cho vùng miền núi,…

Mỗi lần điều chỉnh dự án thì diện tích rừng đầu nguồn phải chuyển đổi lại tăng lên?

Liên quan đến hồ chứa nước Bản Mồng, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết, đây là câu chuyện đáng ra Quốc hội phải làm từ lâu rồi. Vậy Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư hay là Quốc hội căn cứ Luật Đầu tư công, Chính phủ báo cáo để Quốc hội thông qua việc chuyển đổi đất rừng? Có một nghịch lý ở đây là mỗi lần điều chỉnh dự án thì lại tăng diện tích rừng đầu nguồn phải chuyển đổi mục đích sử dụng lên. “Đây là vấn đề cần có lời giải thích. Việc thu hồi đền bù, giải tỏa tái định cư bản Mồng, cử tri điện cho tôi là hiện nay chưa triển khai mà dự án này chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng”, đại biểu Hồng cho biết.

Mặt khác, hợp phần thủy điện trên sông Hiếu hơn 200 km để cốt tám dự án thủy điện nhỏ và vừa. Bây giờ có phải do có hợp phần dự án thủy điện mà chúng ta phải tính toán lại, điều chỉnh lại diện tích rừng hay không? Đây cũng là câu chuyện phải có câu trả lời chính thức. Đại biểu Hồng đề nghị, Quốc hội cần xem xét lại quyết định chủ trương đối với dự án hồ chứa nước bản Mồng; giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án này; nếu muốn khai thác, sử dụng thì phải đền bù, tái định cư cho người dân trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị tốt

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, thời gian qua, công tác cơ cấu vùng kinh tế chưa được triển khai một cách rõ ràng hay xác định rõ bước đi, trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, của từng tỉnh; chưa tạo được sự đột phá, liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo; chưa có sự liên kết hiệu quả; tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn. Giai đoạn 2021-2026, Quốc hội cần có sự giám sát chặt chẽ hơn về lộ trình cơ cấu lại ngành ở các địa phương. Các địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế một cách có hệ thống theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

 Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu tại Hội trường.

Theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ đề ra định hướng thời gian tới cần hình thành hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo theo chuẩn mực quốc tế để triển khai và áp dụng công nghệ 4.0, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nền kinh tế số… “Điều đó có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế đang rất cần một lượng lớn những người được đào tạo trong nhiều lĩnh vực có chất lượng”. Tuy nhiên, chính sách, kế hoạch cân đối chuẩn bị nguồn nhân lực không được thực hiện ở các cấp mà chủ yếu phụ thuộc ở nhân lực tốt nghiệp ở các ngành nộp đơn thi xét tuyển, đến khi không đủ số lượng và chất lượng theo yêu cầu thì các báo cáo lại tiếp tục đánh giá tồn tại là do nguồn nhân lực chưa đủ và chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, các sinh viên đăng ký ngành học chủ yếu là tự phát, dựa trên sở thích, tiềm lực kinh tế gia đình hay vào dự báo thị trường hiện tại. Điều này gây ra sự thừa thiếu cục bộ về nguồn nhân lực cho toàn bộ nền kinh tế.

Nhân lực là yếu tố nền tảng cho sự phát triển của quốc gia trong công tác quy hoạch, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2026. Để cơ cấu lại nền kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, cần thiết phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực, thực hiện theo phương châm Chính phủ hành động, địa phương bên cạnh thực hiện phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế cần chủ động tổ chức các giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

Tập trung phát triển các tập đoàn lớn, đóng vai trò trụ cột trong chuỗi giá trị

Theo kinh nghiệm của các nước đã cất cánh trở thành “con rồng châu Á” thì phải có một giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt 10%/năm dựa vào đầu tư đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ và trụ cột là phát triển các tập đoàn lớn, đặt trụ cột trong chuỗi giá trị cung ứng. Vì vậy, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 2021 - 2025, cần phải chú ý một số điểm:

Thứ nhất, phải tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế. Ông Cường đồng tình với đề xuất của TP Hà Nội xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc với mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc; đồng thời, đây chính là cơ sở để thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt. Chúng ta có thể kêu gọi các tập đoàn nước ngoài hoặc thậm chí có thể mua lại cả một dây chuyền công nghệ của nước ngoài để chúng ta phát triển, trở thành “người chủ” trong chuỗi giá trị phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Đại biểu Cường cũng cho rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân nếu được hỗ trợ của Chính phủ thì có thể thực hiện được mục tiêu này nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều so với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, cần ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta mới có khả năng đặt chân vào khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tạo ra được mức tăng trưởng đột phá. Đại biểu Cường bày tỏ rất đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đã phân tích các trường đại học chính là cái nôi của nguồn nhân lực chất lượng cao để đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay đang rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP, trong khi các nước OECD có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP lớn hơn nên mức đầu tư cho giáo dục đại học chiếm đến 1,1% GDP. Chính vì vậy, mức chi cho giáo dục của một sinh viên trường đại học Top đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ chiếm bằng 1/11 - 1/13 của sinh viên các nước phát triển. Như vậy, những sản phẩm đào tạo trong nước của các trường đại học Top đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài, ngoại trừ Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao về đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam, đang được coi là khâu đầu tư có hiệu quả cao nhất. “Vì vậy, cần phải tập trung đầu tư cho các cơ sở giáo dục, trường đại học Top đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chúng ta đang dành tiền đầu tư cho các trường mới để các trường này trở thành trường đẳng cấp quốc tế”, Đại biểu Cường nói.

Thứ ba, phải huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển. Kinh nghiệm các nước phát triển trải qua giai đoạn thành công cho thấy, vấn đề không phải là Chính phủ tìm cách để hạ thấp tỷ lệ nợ công mà vấn đề cốt yếu là làm thế nào để quản lý nợ công có hiệu quả? Theo đại biểu Cường, các nhà quản trị giỏi không phải lấy người chỉ biết tiêu tiền của mình mà quan trọng là phải biết dùng tiền người khác để sinh sôi nảy nở ngay trong tay mình. Chúng ta đang chuyển sang giai đoạn là thu hút FDI có chọn lọc và tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang giảm xuống mức khá thấp. Do vậy, phải nghĩ đến chiến lược huy động nguồn tiền bên ngoài vào để các doanh nghiệp, các tập đoàn trong nước vay lại nhằm tự đầu tư kinh doanh thì sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chúng ta dựa vào các nguồn vốn đầu tư FDI từ bên ngoài để lại tạo ra sự cạnh tranh với chính sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước.

Đại biểu Cường mong muốn, tất cả các quan điểm trên không phải chỉ nằm trong kế hoạch của năm 2021-2025 mà trở thành đường lối hành động cho chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 trong Nghị quyết của Đảng cũng như chiến lược phát triển của Chính phủ trong thời gian tới.

Còn nhiều điểm nóng về phá rừng

Cũng liên quan đến vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bảo vệ rừng, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), thời gian qua vẫn còn điểm nóng về phá rừng; tình trạng tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ... vẫn diễn biến phức tạp. Số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm nhưng có đến 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên. Mặc dù diện tích rừng trồng thay thế gấp 3 lần rừng tự nhiên chuyển đổi nhưng do chủng loại cây trồng, ví trí trồng thay thế nên chưa đáp ứng được công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Ít khu bảo tồn được kiểm kê, bổ sung. Tình trạng mua bán động vật hoang dã chưa giảm...

Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; cân nhắc kỹ các dự án chuyển đổi rừng phát triển kinh tế, ưu tiên dự án thủy lợi; đánh giá tác động trồng rừng thay thế; giải quyết tình trạng di cư tự phát, đẩy nhanh giao đất gắn với giao rừng; đầu tư ngân sách để cảnh báo thiên tai, phát triển rừng, bảo tồn sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng.../.

 
Đỗ Thoa
211 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 896
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 896
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185680