Tập trung nguồn lực bình ổn giá thịt lợn 

(ĐCSVN) - Nhằm ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn hiện nay và các tháng cuối năm, Cục Chăn nuôi đề nghị cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng lợn thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá...

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo báo cáo diễn biến giá lợn từ đầu năm đến nay của Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi tháng 1/2019 ở miền Nam có giá 49.200 đồng/kg, miền Bắc 44.420 đồng/kg thì đến tháng 11, giá lợn hơi ở miền Nam đạt 63.500 đồng/kg, miền Bắc có giá 66.500 đồng/kg. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, giá lợn hơi tháng 11/2019 đạt 137.238 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với tháng 1 với 44.344 đồng/kg. Tại Thái Lan, giá lợn hơi tháng 11 là 48 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với tháng 1 với 52.823 đồng/kg.

Nhận định của Cục Chăn nuôi cho thấy, về cơ bản, giá lợn thịt trong nước thấp và ít biến động trong suốt 10 tháng năm 2019 so với các nước xung quanh. Nhận định của ngành nông nghiệp, giá lợn hơi trong nước phải vượt mức 50.000 đồng từ thời điểm cuối tháng 9/2019, tuy nhiên điều này diễn ra chậm hơn dự tính gần 1 tháng.

Bên cạnh đó, thông tin cụ thể hơn về giá lợn hơi tăng cao thất thường những ngày qua mà báo chí phản ánh, Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, nguyên nhân chính không phải lý do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, trong đó đã có biểu hiện găm hàng, thổi giá.

Cụ thể, hiện nay, nguồn thịt lợn chủ yếu ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn, còn các hộ nhỏ trong vùng dịch cơ bản không còn. Việc xuất bán lợn thịt yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, người chăn nuôi thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi càng làm cho những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá lợn thịt ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung.

Mặt khác, các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt đã tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao do thiếu trầm trọng nguồn cung và thương lái đã lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường.

Nhằm ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn hiện nay và các tháng cuối năm, Cục Chăn nuôi đề nghị cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng lợn thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vấn đề lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn, lợn thịt và lợn giống giữa các vùng. Tạo điều kiện để các hộ giết mổ nhỏ lẻ được tiếp cận với nguồn thịt lợn thông qua các điểm mở bán lợn thịt công khai có kiểm soát an toàn dịch tại các huyện, thành thị.

Các địa phương cùng với biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt, cần chú trọng làm tốt công tác tái đàn lợn có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đàn lợn ở những nơi đã có dịch nhưng đáp ứng đủ điều kiện tái đàn và mở rộng quy mô đàn ở những nơi vẫn đang còn an toàn dịch. Trong chỉ đạo cần tránh tư tưởng “hết dịch mới tái đàn” vì dịch tả lợn châu Phi còn tồn tại một thời gian dài.

Cục Chăn nuôi đề nghị ngành Công Thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý. Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, siết chặt vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch lợn thịt, lợn giống và thịt lợn ra các nước xung quanh cũng như việc nhập khẩu bất hợp pháp các sản phẩm này vào trong nước./.

 
BT
278 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1354
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1354
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87169251