Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cơ bản các đại biểu đã đặt câu hỏi theo đúng thời gian quy định, rõ vấn đề chất vấn.
Tuy nhiên, cũng còn có một số đại biểu hỏi hơi dài hoặc hỏi nhiều nội dung, cũng có những nội dung nằm ngoài nhóm vấn đề đã được chọn chất vấn. Đây là lần thứ hai Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, với những kinh nghiệm trong quản lý điều hành ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể và nhận trách nhiệm đối với những bất cập, hạn chế, tồn tại đối với lĩnh vực quan trọng này.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của gia đình và xã hội, lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, so với các nước trong khu vực, chất lượng giáo dục của nước ta đã có nhiều kết quả tiến bộ, hệ thống giáo dục đại học, giáo dục phổ thông có nhiều đổi mới, nhiều học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế và khu vực.
Giáo dục mầm non đã được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Bộ đã tích cực triển khai nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về đổi mới căn bản hệ thống giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bên cạnh những thành quả đạt được còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập, trong gia đình, ngoài xã hội vẫn còn chưa thực sự yên tâm với chất lượng chung của hệ thống giáo dục quốc dân, vẫn còn nhiều trăn trở, lo lắng cho con em trong việc học hành, thi cử, băn khoăn về những khó khăn của giáo dục mầm non, bức xúc trước tình trạng vi phạm đạo đức của một số giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, của cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu đã chất vấn, tranh luận để làm rõ các nội dung nêu trên với mong muốn Bộ trưởng có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chếvà tập trung vào một nhiệm vụ trọng tâm là: tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đào tạo, trong đó quan tâm đến chính sách đối với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết các nội dung đã được giao khi Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua.
Tích cực chuẩn bị để triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo nghị quyết của Quốc hội, hướng tới mục tiêu giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Sớm hoàn thành đề án quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, chú trọng các trường sư phạm đào tạo giáo viên, phát triển các cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới để thu hút số sinh viên có nhu cầu và điều kiện du học ở nước ngoài có thể học ở trong nước với chất lượng cao.
Có chính sách thu hút các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia hoạt động giáo dục đào tạo, sớm ban hành nghị định về tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đổi mới quản trị, quản lý đào tạo, khắc phục các bất cập, hoàn thiện và ổn định cách thức thi cử, tuyển sinh, xét tuyển, cử tuyển, tránh tạo áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội.
Có chính sách thu hút người giỏi vào học sư phạm. Đẩy mạnh và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, tập trung vào kiểm định chương trình đào tạo, rà soát, công khai công tác kiểm định bằng cấp, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường để nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, phát triển tư duy sáng tạo của học viên, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường.
Xây dựng và phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với xu hướng, không tạo sức ép quá tải lên học sinh, tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học và đào tạo đội ngũ giáo viên gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường xã hội hóa để thành lập các trường tư thục chất lượng cao, rà soát hệ thống trường, lớp, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, khắc phục tình trạng lớp học quá đông, chấm dứt tình trạng nợ chỉ tiêu trong việc công nhận các trường chuẩn. Quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn.
Xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Tiếp thục thực hiện thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo năng lực người học, khắc phục bệnh thành tích trong hệ thống giáo dục phổ thông. Triển khai thực hiện các giải pháp giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông theo đề án đã được duyệt. Tạo điều kiện cho học sinh phổ thông sớm tiếp cận với các thông tin nghề nghiệp. Triển khai có hiệu quả các đề án về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025.
Rà soát, hoàn thiện chương trình giáo dục mầm non, bảo đảm mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ và hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1. Triển khai chương trình hướng dẫn nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và các nhóm trẻ độc lập, tư thục. Rà soát điều chỉnh chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non. Quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, có chính sách thu hút, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non. Làm tốt công tác dự báo, quy hoạch, phát triển trường lớp nhất là các khu công nghiệp tập trung, khu vực đông dân cư, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non.
Quản lý chặt về tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non. Rà soát hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong đó có quy định về phẩm chất đạo đức nhà giáo. Sửa đổi, bổ sung nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc. Phát huy dân chủ trường học, làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường an ninh, an toàn trường học. Sớm triển khai đề án, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặc biệt lưu ý tới công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Đề nghị Bộ trưởng rà soát, chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo, xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo không đạt chuẩn; tình trạng vi phạm pháp luật về văn bằng, chứng chỉ, rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên; khắc phục tình trạng buông lỏng trong quản lý giáo dục; có giải pháp hiệu quả trong giám sát phát hiện hành vi bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non và những vi phạm trong quản lý của cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo và xử lý nghiêm các hành vi phi đạo đức của giáo viên, học sinh và phụ huynh./.
Nguyễn Hoàng