Chính quyền địa phương và nhân dân cần tập trung gia cố đê đề phòng nước lũ dâng cao (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm vừa qua, tình hình lũ, bão diễn ra hết sức bất thường, cực đoan và trái quy luật. Trong đó, năm 2017, lũ lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên sông Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình, trên sông Đáy tỉnh Nam Định, trên sông Cầu Chày tỉnh Thanh Hóa. Năm 2018, đỉnh lũ trên các sông Bứa, Đáy, Hoàng Long, Bùi, Bưởi vượt trên mức báo động 3, đặc biệt trên sông Bứa tại Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đạt 29,58m (vượt mức lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m).
Do ảnh hưởng của lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, trên hệ thống đê điều đã xảy ra rất nhiều sự cố uy hiếp đến an toàn đê.
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020, đồng thời để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống thiên tai năm 2019 và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ, bão gây ra đối với những vùng được đê bảo vệ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê, tập trung hoàn thành công tác tu bổ, bảo dưỡng đê điều, khắc phục sự cố đê điều và các công trình đang thi công liên quan đến đê điều.
Cụ thể, triển khai huy động mọi nguồn lực của địa phương để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm đối với các hạng mục cần thiết khác. Đặc biệt quan tâm xử lý dứt điểm các cống dưới đê bị sự cố trong thời gian vừa qua như: cống Cẩm Đình thành phố Hà Nội, cống Bích Động thành phố Hải Phòng, cống Nghi Xuyên, Liên Nghĩa tỉnh Hưng Yên,…
Khẩn trương hoàn thành việc xử lý cấp bách các sự cố đê điều đã được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những cống qua đê đã xảy ra sự cố do lũ những năm trước, cống mới xây dựng nhưng chưa được làm việc trong điều kiện có lũ cao hoặc cống đang xây dựng cần xây dựng phương án bảo vệ cụ thể để chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, đối với các cống xung yếu cần có phương án bảo vệ do cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ chức, cá nhân để chủ động chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện.
Song song với đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều. Xây dựng phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “bốn tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt.
Ngoài ra, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành quyết định cho phép của chủ đầu tư các công trình liên quan đến đê điều theo quy định của Luật Đê điều./.
BT