Tập trung hoàn thành 4 nhiệm vụ lớn của ngành thanh tra năm 2020 

(Chinhphu.vn) - Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng của ngành thanh tra, tổ chức vào sáng 22/7.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Quyết liệt thực hiện ‘mục tiêu kép’

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành thanh tra trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Theo Phó Thủ tướng, ngay từ những tháng đầu năm 2020, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19. Chính phủ nhận định đúng tình hình, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của địa phương, cơ sở; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép” là vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Song song với đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tranh thủ thời cơ, đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020…

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra, song dưới sự chỉ đạo điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Nền tảng vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Kinh tế không bị rơi vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai sâu rộng, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

“Đặc biệt là trong điều kiện rất khó khăn trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 như vậy, chúng ta vẫn quan tâm dành nhiều nguồn lực, chú trọng bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng an ninh và các hoạt động đối ngoại”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (ngày 2/7 vừa qua) để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc còn chậm. Còn xảy ra tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự nghiêm trọng diễn biến phức tạp trên một số địa bàn...

“Trước tình hình mới đầy khó khăn, thách thức, phải đổi mới trong tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Điều này cho thấy, chúng ta đã và đang từng bước biến thách thức thành thời cơ đưa đất nước đi lên. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp gắn với việc thúc đẩy kinh tế tư nhân…

Phát hiện và kiến nghị khắc phục bất cập, sơ hở trong quản lý

Về những kết quả đạt được của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra 6 tháng qua, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà ngành đạt được. Ngành đã bám sát định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao cho.

Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. Cụ thể, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 31.000 tỷ đồng và hơn 3.000 ha đất, kiến nghị thu hồi hơn 681 ha đất và hàng nghìn tỷ đồng. Từ những sai phạm được phát hiện trên, đã chấn chỉnh, kiến nghị khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, ban hành chính sách và pháp luật.

Kết quả công tác thanh tra cũng góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, ngành đã tập trung cao, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, qua đó góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý, tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp đã giải quyết được rất nhiều vụ việc tồn đọng từ trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, một số vụ lại phát sinh mới. Do đó, phải rà soát lại những vụ việc chưa giải quyết xong và tập trung giải quyết dứt điểm từ nay đến cuối năm 2020.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, việc lập dự án rồi thu hồi đất của người dân phải tính toán kỹ càng. Việc bồi thường, di dân và tái định cư cho dân phải lo toan cho tốt, thực sự thoả đáng, làm cho dân hiểu, dân thực hiện và có tấm lòng với dân khi giải quyết công việc. Có như vậy, dân mới yên, khiếu nại tố cáo mới giảm, an ninh trật tự mới được bảo đảm. “Không thể cứ nói di dời là làm ngay được, bởi đó là đất đai mà cha ông họ để lại với bao công sức, nhà cửa, kỷ niệm”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc nhở.

Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, ngành thanh tra tiếp tục thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát thu nhập, tăng cường theo dõi, đôn đốc triển khai các biện pháp về phòng chống tham nhũng…

Nhiều cuộc thanh tra chưa bảo đảm yêu cầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, yếu kém mà ngành thanh tra cần khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, còn nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch. Một số cuộc thanh tra kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Một số kết luận thanh tra chất lượng chưa cao. Chưa nghiên cứu sâu các quy định pháp luật, nhất là Luật Đất đai, còn có những kiến nghị xử lý chưa phù hợp, không khả thi trên thực tế. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra còn hạn chế (tỉ lệ thu hồi còn thấp và giảm so với cùng kỳ năm 2019).

Nhiều cuộc thanh tra có phạm vi, đối tượng rộng, khi kết luận còn sơ sài, dàn trải về số lượng nhưng chất lượng chưa bảo đảm, không nêu rõ bản chất của các sai phạm, nhất là sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, chưa kết luận rõ ràng và kết luận “vụ việc nào ra vụ việc đó”.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, khi xây dựng kế hoạch thanh tra, cần nghiên cứu và xây dựng nội dung, phạm vi thanh tra có trọng tâm, trọng điểm Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp, khó lường nhất là trong lĩnh vực đất đai khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng đã có chuyển biến, nhưng chưa thường xuyên. Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện tiếp công dân và xử lý đơn thư hiệu quả chưa cao.

Còn tình trạng chậm giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, trong giải quyết còn có sai sót. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, có nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng” bất cứ lúc nào. Việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật còn có vụ việc chưa dứt điểm để kéo dài.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng có nhiều cố gắng nhưng còn hạn chế. Việc xây dựng Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất chậm so với chương trình công tác, ảnh hưởng đến việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Việc kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị nhìn chung hạn chế, có rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra nội bộ.

 

Ảnh: VGP/Lê Sơn

4 nhiệm vụ lớn của ngành thanh tra

Trong những tháng còn lại của năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Rà soát việc triển khai kế hoạch thanh tra trong 6 tháng đầu năm, đề xuất điều chỉnh và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung xây dựng định hướng công tác thanh tra năm 2021 bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư, mua sắm tài sản công, khai thác tài nguyên, khoáng sản… tránh trùng lắp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra và không được gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tập trung kết thúc các cuộc thanh tra đã triển khai theo đúng thời gian quy định. Khẩn trương ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thứ haitiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự tạo tiền đề để tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2025. Đồng thời, phối hợp thực hiện kế hoạch tiếp công dân, đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM. Tổ chức đối thoại với người dân trong các vụ việc trọng điểm, đạt kết quả tốt.

Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành, giải quyết kịp thời các bức xúc, phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ khi mới phát sinh, không để tạo thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm, loại ra khỏi bộ máy đối với những cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tập trung hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp phòng chống tham nhũng trong ngành thanh tra.

“Kiên quyết không để xảy ra tình trạng đoàn thanh tra bị tố cáo vòi vĩnh, tham nhũng hay bị bắt quả tang nhận hối lộ. Đó là danh dự, phẩm giá của ngành và của cán bộ thanh tra”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Thứ tư, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần phải làm tốt công tác quản lý, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là công tác đánh giá cán bộ. Xây dựng độ ngũ cán bộ thanh tra “vừa hồng, vừa chuyên”, “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm có cả đức và tài. Cần thu hút được nhiều cán bộ giỏi, xuất sắc để nâng tầm công tác thanh tra. Đồng thời chỉ đạo việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động trong ngành thanh tra, nhất là cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

Tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành thanh tra. Ngành thanh tra phải có vai trò tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm” mà Chính phủ đã đề ra. 

Lê Sơn

265 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 396
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 397
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86342916