Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế 

(Chinhphu.vn) – Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong năm 2023, ngành y tế sẽ tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.
Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, kết thúc năm 2022, ngành y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ với báo chí về những kết quả đạt được của ngành y tế trong năm 2022 và những giải pháp vượt khó trong năm 2023.

Bộ trưởng cho biết, kết thúc năm 2022, toàn ngành y tế đã hoàn thành và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.

Ngành y tế đã tập trung công tác hoàn thiện thể chế, nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành y tế đã được phê duyệt, như: Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024…

Cũng trong năm 2022, ngành y tế đã nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trình Chính phủ điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100% theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh; năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên; ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu; đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19; nghiên cứu hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản, xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu…

Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường từng bước phục hồi sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19.

Những bài học và giải pháp của ngành

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, ngành y tế tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các nội dung y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, trong năm 2023, ngành y tế cũng sẽ tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc; tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân; phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc…

Tư lệnh ngành y tế cũng chia sẻ, năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến cố, nhưng toàn ngành y tế đã nỗ lực, đoàn kết quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức.

Bộ trưởng đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm, như: Kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình, kế hoạch hành động có tính phù hợp, khả thi; 

Tập trung công tác xây dựng văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn; 

Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách; huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế.

HM

235 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 976
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 976
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77270379