Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ diễn ra chiều 3/4, tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: BT)

Thông tin tại buổi họp báo cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với mức tăng 4,05%. Đây là tiền đề tốt cho ngành nông nghiệp thực hiện các mục tiêu đề ra trong các quý tiếp theo cũng như thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2018.

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được các phóng viên báo chí đặt câu hỏi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT). Trong đó, những tháng gần đây, một số mặt hàng nông sản chủ lực có dấu hiệu sụt giảm về giá trị xuất khẩu như: cà phê, chè, cao su. Theo ông Trần Văn Công – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 3 tháng đầu năm, với mặt hàng cà phê, xuất khẩu đạt 520.000 tấn, tăng 15,1% về sản lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị. Nguyên nhân giảm giá trị xuất khẩu do giá cà phê thế giới giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, một số nước sản xuất cà phê lớn như Bra-xin, Indonesia năm vừa qua trúng mùa, vì vậy, nguồn cung cà phê khá dồi dào, dẫn đến tăng nguồn cung của thế giới. Đặc biệt, nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng cà phê của nước ta ở một số khâu vẫn chưa tốt như: thu hái, phơi sấy, chế biến.

Với mặt hàng chè có mức sụt giảm do vẫn chưa xây dựng được thương hiệu chè đứng vững; một số thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan có tác động yêu cầu về chất lượng, khắt khe hơn, dẫn đến mức sụt giảm nhẹ.

Đặc biệt, năm nay, với mặt hàng nhãn, vải dự báo được mùa, đạt năng suất cao. Để chuẩn bị cho thị trường tiêu thụ các mặt hàng này, Bộ NN&PTNT đã việc với trung tâm xúc tiến thương mại và một số tỉnh trọng tâm để tập trung phương án đẩy mạnh hợp tác phân phối qua các kênh siêu thị, kết nối các xã có sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm vải, nhãn.

Cũng tại buổi họp báo, chia sẻ giải pháp để phát triển ngành mía đường bền vững, theo ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cần tái cơ cấu sâu rộng, đầu tư nghiên cứu, nhập khẩu mọi giống mía mới có năng suất cao. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chủ động tưới tiêu nâng năng suất mía ngang tầm khu vực, hiện nay, năng suất mía nước ta còn khá thấp. Đặc biệt, điều quan trọng cần xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến. Trong việc tái cơ cấu, cần liên kết chặt chẽ giữa nhà máy sản xuất và vùng nguyên liệu; nhà máy cần xác định vùng nguyên liệu là “nguồn nuôi sống” nhà máy, từ đó sẽ đảm bảo cho sản xuất bền vững hơn.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 3% đề ra, Bộ NNPTNT đã rà soát kỹ lưỡng, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ phương án về đảm bảo tăng trưởng NN&PTNT năm 2018 trên cơ sở kết quả đánh giá những tháng đầu năm.

Trong đó, năm nay, giải pháp để ổn định và mở rộng thị trường nông sản quốc tế là quan trọng nhất. Năm nay thị trường là giải pháp cần quan tâm và cũng là nhóm giải pháp cần tập trung nhất.

“Muốn đạt được xuất khẩu từ 40-40,5 tỷ USD là một tăng trưởng cả về giá trị và tăng trưởng cả về tỷ trọng rất cao. Bây giờ thị trường quốc tế rất nhiều rủi ro. Thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ là những thị trường lớn, trọng yếu về nông sản xuất khẩu nhưng đang còn gặp nhiều khó khăn” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ cũng làm rõ thêm một số nội dung báo chí quan tâm về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển rừng bền vững…/.

BT