Tập trung giải pháp gấp rút tháo gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu 

(ĐCSVN) - Chín tháng năm 2018 là giai đoạn nước rút thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm khuyến nghị mà phía Việt Nam cần tiếp tục triển khai tháo gỡ nhằm sớm tháo gỡ được thẻ vàng cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.

Ảnh minh họa (Ảnh: TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), 9/2018, việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác được triển khai rộng khắp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản để giảm thiểu khai thác tận diệt, hướng tới khai thác ổn định, bền vững.

Ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, với những nỗ lực của Việt Nam từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018, phía EC đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn 4 nhóm khuyến nghị mà Việt Nam vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhóm khuyến nghị thứ nhất liên quan đến việc ban hành thể chế. Theo ông Trần Đình Luân, vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã dự thảo một số Nghị định, Thông tư và Quyết định. Với những Nghị định, Thông tư có liên quan đến việc tháo gỡ thẻ vàng của thủy sản Việt Nam, phía Tổng cục Thủy sản đã làm và gửi cho phía bạn để bạn xem xét, trong quá trình đó, với những vấn đề còn thắc mắc về phía bạn sẽ trao đổi.

“Từ nay cho đến tháng 11, chúng tôi sẽ hoàn thiện theo góp ý, và có những vấn đề phía bạn thấy chưa thỏa đáng thì tiếp tục trao đổi để làm sao hai bên thống nhất văn bản quy phạm pháp luật” – ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề hệ thống giám sát và theo dõi tàu cá, về phía EC mong muốn phía Việt Nam và các địa phương đưa thiết bị giám sát hành trình bằng vệ tinh vào sử dụng. Theo ông Luân, đó là hệ thống movimar cho các tàu cá trên 24m, hiện nay công tác này đang được triển khai. Cùng với đó, đến nay, các địa phương đang tích cực nâng cấp các trạm bờ, Tổng cục Thủy sản tiến hành nâng cấp hệ thống giám sát của Tổng cục nhằm để tích hợp, quản lý một cách xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Liên quan đến nguồn lực ở vấn đề hệ thống giám sát hành trình, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ thông qua Dự án hệ thống thông tin quản lý nghề cá giai đoạn 2 để có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện tốt công tác theo dõi và giám sát tàu cá.

Về nhóm vấn đề thực thi, theo ông Luân, vẫn còn một số tồn tại khi thực hiện ở các địa phương. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg, Công điện 732/CĐ-TTg. Đặc biệt, ngày 19/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện 1275/CĐ-TTg, cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT trong việc chỉ đạo các địa phương.

“Về phía Tổng cục Thủy sản đã cử các đoàn công tác, đồng thời có các văn bản hướng dẫn các địa phương để làm sao chúng ta khắc phục những lỗi, những bất cập mà phía bạn đang khuyến cáo chúng ta” – ông Trần Đình Luân cho biết thêm.

Cũng theo ông Luân, về phía các địa phương, vừa qua đã có những động thái rất tích cực. Trong đó, rất nhiều địa phương khi chuẩn bị triển khai Luật Thủy sản mới đã mời đại diện của Tổng cục Thủy sản về để trao đổi hoặc lãnh đạo nhiều địa phương chủ động làm việc với lãnh đạo Bộ, Tổng cục để tìm sự đồng thuận trong quá trình triển khai tháo gỡ những vướng mắc.

Đặc biệt, về truy xuất nguồn gốc, Tổng cục Thủy sản đang xây dựng Thông tư mới nhằm tạo điều kiện cho các địa phương từ tàu cá đến cảng cá, nhà máy chế biến có hệ thống truy xuất nguồn gốc thông suốt.

Về vấn đề tháo gỡ thẻ vàng, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 10, Bộ sẽ tập trung các giải pháp nhằm sớm tháo giỡ thẻ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Tổ chức các đoàn kiểm tra về chống khai thác bất hợp pháp tại một số địa phương; tổ chức các lớp tập huấn triển khai các khuyến nghị của EC.

Bên cạnh đó, chuẩn bị tiếp Đoàn nghị viện châu Âu sang làm việc về IUU trong tháng tháng 10. Tổ chức họp trực tuyến với EC để giải trình và làm rõ một số nội dung góp ý của của EC cho dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thủy sản. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 6/7/2018 của Chính phủ về việc gia nhập Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; tiếp tục dịch Dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017 gửi EC./.

312 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 478
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 478
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88311093