Đó là một trong những giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm 2019, đầu năm 2020.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: KD) |
Sản lượng thịt lợn năm 2019 giảm 13,5% so với năm 2018
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với năm 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018.
Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.
Các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các công ty: CP, Masan,… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố (Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh,…) để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Về dự trữ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu các tháng cuối năm, bao gồm cả thực phẩm của các địa phương trọng điểm, với TP. Hà Nội, đã bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh đã bố trí nguồn kinh phí 102.891 tỷ đồng. Nhiều địa phương khác cũng đã tổ chức dự trữ các nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn; tỉnh Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn từ nay đến Tết âm lịch so với nhu cầu của địa phương là 7.000 tấn cho 3 tháng trước và sau Tết âm lịch.
Tập trung các giải pháp tăng nguồn cung thịt lợn
Để đảm bảo cung ứng thịt lợn cho dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, Ban Chỉ đạo 389 các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Bộ Tài chính chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhằm giảm thiểu khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người chăn nuôi được vay vốn đầu tư mở rộng, khôi phục sản xuất chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh theo quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, thông tin đầy đủ, chính xác về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tài đàn và phát triển chăn nuôi các loài gia súc khác; các biện pháp ngăn chặn vận chuyển lợn, các sản phẩm lợn trái phép ra, vào Việt Nam.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200 nghìn tấn, vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý sắp tới. Đồng thời, có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có Hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp: Tập trung tổ chức triển khai phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là đối với bệnh DTLCP trong vụ Đông – Xuân 2019-2020 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn của địa phương, đặc biệt chú ý việc áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi, nuôi trồng thủy sản theo 3 nguyên tắc: bảo đảm an toàn sinh hoc và phòng, chống dịch bệnh; cân đối cung cầu; bảo đảm an sinh xã hội./.